Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 đã chia sẻ với VietNamNet về giai đoạn khó khăn nhất vừa trải qua.

PV: Thưa ông, dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bối cảnh này tác động ra sao tới May 10?

Ông Thân Đức Việt: Trong 74 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty May 10 đã trải qua nhiều thời khắc khó khăn, tuy nhiên đối với đại dịch Covid-19, có lẽ đây là khó khăn toàn diện nhất mà May 10 phải hứng chịu.

{keywords}
Đứt gãy cả cung và cầu, May 10 xoay xở vượt qua

Khủng hoảng tài chính năm 2008 chỉ ảnh hưởng đến bình diện về mặt kinh tế nhưng đại dịch lần này ảnh hưởng toàn diện đến tất cả khía cạnh từ kinh tế với hai khía cạnh cung và cầu của nền kinh tế thế giới, đến cả xã hội, chính trị cũng như thói quen của người tiêu dùng.

Tổng công ty May 10 là một trong những doanh nghiệp đầu chuỗi của ngành dệt may, chúng tôi chỉ làm trong lĩnh vực may mặc là chính. Chúng tôi phụ thuộc vào nguyên liệu cũng như phụ thuộc vào đầu ra cho thành phẩm xuất khẩu. Trong quý 1-2/2020, chúng tôi đối mặt với hai cú sốc lớn, một là đứt gãy nguồn cung của chuỗi cung ứng từ các nước chúng tôi nhập khẩu nguyên liệu. Đến cuối quý 1, đầu quý 2 năm nay, chúng tôi bị cú sốc lớn  thứ hai là sự sụt giảm rất lớn về nhu cầu. Thậm chí, có những cú gãy cầu đột ngột từ việc các khách hàng nhập khẩu của May 10 từ các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… họ dừng nhập khẩu đột ngột.

Bắt đầu khoảng 16/3, khi những ca nhiễm đầu tiên xuất phát ở Ý, Châu Âu, sau đó lan rộng ra Mỹ và toàn cầu thì cứ mỗi 1 ngày, Tổng công ty may mặc chúng tôi lại nhận được vài thông tin về việc khách hàng, yêu cầu dừng sản xuất nếu như đang sản xuất, yêu cầu dừng giao hàng nếu đã sản xuất xong rồi, hay đề nghị May 10 lùi thời hạn thanh toán…

PV: Thưa ông, trong bối cảnh đó, vấn đề lao động được May 10 giải quyết như thế nào?

Ông Thân Đức Việt: Tổng công ty May 10 có gần 12.000 CBCNV đang làm ở 18 nhà máy ở 7 tỉnh thành phố . Khi đó, câu hỏi đặt ra là: Khi nào thì dịch kết thúc? Có nên cho người lao động nghỉ việc hay không nếu tình trạng dừng đột ngột như vậy? Và cho người lao động nghỉ thì trả lương như thế nào? Đây có lẽ là một trong những trăn trở, khó khăn rất lớn đặt lên vai những người lãnh đạo vì chúng tôi không biết tình hình sẽ diễn biến bao lâu. Đấy cũng là những câu hỏi mà gần như không có lời giải trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, thực sự không chỉ riêng May 10 mà theo đánh giá chung thì lãnh đạo của các DN Dệt may khác cũng vào tình cảnh tương tự. Nhưng may mắn là chúng tôi chưa phải để cho người lao động phải mất việc làm.

{keywords}
Đứt gãy cả cung và cầu, May 10 chuyển sang xuất khẩu trang

PV: Về sản xuất, May 10 đã có cách đi ra sao để vượt qua thời điểm khắc nghiệt nhất?

Ông Thân Đức Việt: Trong thời điểm đó, Việt Nam có hiện tượng tăng giá khẩu trang đột biến, đặc biệt là khẩu trang y tế. Là DN có nhiều năm đóng góp cho xã hội, chúng tôi đã sản xuất 50.000 khẩu trang để phát miễn phí, đóng góp 1 phần nào đó cho xã hội. Vừa phát miễn phí cho bà con nhưng cũng vừa giảm việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá. Từ câu chuyện sản xuất khẩu trang để phát miễn phí thôi, giữa tháng 3 lại xảy ra câu chuyện dừng cầu đột ngột.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đặt câu hỏi là: Có nên sản xuất khẩu trang hay không? Cũng phải tâm sự rất thật là Tập đoàn May 10, các dây chuyền sản xuất sơ mi hoặc veston là đầu tư rất lớn, làm là làm dài hạn, để chứng minh đẳng cấp của May 10 là có thể làm được các hàng thời trang công sở cao cấp như vậy cho các khách hàng lớn, thì có nên đổi sang sản xuất khẩu trang hay không?

Ví dụ như cả 1 dây chuyền thiết bị sản xuất veston chẳng hạn, chỉ cần 5% số thiết bị đấy có thể sản xuất được khẩu trang rồi. Vào lúc đó, chúng tôi cho sản xuất khẩu trang thì chúng tôi sẽ lãng phí khoảng 95% thiết bị có trong xưởng. Tương tự như vậy, chúng tôi sẽ lãng phí tay nghề mà chúng tôi đào tạo những người lao động để họ làm được những sản phẩm cao cấp như Veston.

Tuy nhiên, liên tiếp những tin như hủy sản xuất, hủy đơn hàng… dẫn đến việc chúng tôi buộc phải ra quyết định là phải sản xuất khẩu trang. Xuất phát điểm của May 10 cũng chỉ từ áp lực như vậy, chuyển đổi từ sản xuất sang khẩu trang vải thì chúng tôi mới giữ được việc làm cho người lao động, vì tư duy của lãnh đạo May 10 chúng tôi là cho dù bất cứ thế nào thì chúng tôi cũng bằng mọi biện pháp duy trì việc làm và không sa thải một công nhân nào.

Chính vì vậy, chúng tôi có quyết định rất đặc biệt là cả 1 xưởng sản xuất veston, sơ mi hoành tráng, được đầu tư bài bản như vậy chỉ để sản xuất khẩu trang. Chỉ cần 3 loại máy thôi, là máy vắt sổ, máy chống đè và máy luyện kim. Còn lại, các thiết bị khác, chúng tôi gói gém lại để chờ các đơn hàng tiếp theo. Sau khi chúng tôi sản xuất khẩu trang.

PV: Từ một doanh nghiệp may mặc lớn, Tổng công ty chuyển sang xuất khẩu khẩu trang rất mạnh. Ông đánh giá hiệu ứng của hướng đi này như thế nào?

{keywords}
Sản xuất khẩu trang đã cứu doanh nghiệp may mặc Việt Nam

Ông Thân Đức Việt: Có một sự dịch chuyển rất lớn vào thời điểm đó về cầu, người tiêu dùng chỉ quan tâm đến hai thứ, ăn và đồ bảo hộ y tế. Có nghĩa là thực phẩm và đồ bảo hộ y tế do việc giãn cách các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản – là 3 thị trường lớn mà May 10 đều đóng cửa. Chính vì vậy, việc May 10 chuyển đổi sản xuất khẩu trang như thế nào, thì các khách hàng đều biết.

Trong bối cảnh đó, chính các khách hàng của chúng tôi cũng phải tất cả nhân viên ở nhà vì giãn cách xã hội. Họ cũng không tìm được đường ra và rồi, chính họ cũng là những người chuyển đổi sang bán sản phẩm khẩu trang thay vì bán sản phẩm may mặc trước kia.

Có những khách hàng nói rằng, Chính phủ không cho phép mở cửa hàng, bán hàng may mặc lúc đó, nhưng cho phép bán đồ bảo hộ thiết bị y tế như khẩu trang. Lúc đó, chúng tôi có khoảng 2 -3 khách hàng yêu cầu May 10 sản xuất ngay, xuất khẩu ngay để họ bán khẩu trang. Nhờ đó, họ được phép mở cửa hàng để kèm theo những sản phẩm may mặc mà chúng tôi đã xuất cho họ. Đây là câu chuyện khá thú vị không chỉ đối với ngành Dệt may VN, trong đó có May 10 mà đối với các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới lúc đó, họ cũng chuyển đổi ngay lập tức sang mặt hàng khẩu trang. Từ câu chuyện đó, có rất nhiều DN may mặc, đầu tiên chỉ làm khẩu trang trong nước, sau đó cũng tiến sân vào khẩu trang xuất khẩu như May 10 chúng tôi. 

PV: Hiện nay, tình hình sản xuất của May 10 đã hồi phục ra sao?

Ông Thân Đức Việt: Từ tháng 6 trở về đây, những đơn hàng may mặc như veston, thời trang công sở vẫn giảm sút do hội họp ít đi, giao thương thương mại cũng ít đi, Tuy nhiên, những dòng sản phẩm giá rẻ, dòng sản phẩm thường phục, dòng sản phẩm cho trẻ em, đồng phục vẫn không giảm cầu như những năm trước kia, mặc dù có ảnh hưởng đại dịch. Đặc biệt là, trong thời điểm quý 2-3, các nước may mặc phát triển như Ấn Độ, Banglades, Myanmar, Indonesia… kiểm soát dịch không tốt bằng chúng ta, nên một số đối tác đã ưu tiên những đơn hàng đưa về những nước kiểm soát dịch tốt, như Việt Nam chúng ta.

Như vậy vô hình chung, tổng cầu thế giới vẫn giảm trong giai đoạn đó, tuy nhiên, lượng hàng sẽ được chuyển từ những nước kiểm soát dịch kém an toàn sang những nước kiểm soát dịch an toàn hơn, đó là Việt Nam.

Chính vì vậy, từ tháng 6 trở về đây thì những dòng sản phẩm tôi kể trên của May 10 cũng đã có những phục hồi.

Chúng tôi lại tiến hành thêm một cuộc chuyển đổi nữa là sau khi chúng tôi làm khẩu trang vải xong thì chúng tôi quyết định làm khẩu trang y tế. Đây cũng là một cơ hội cho may 10 cung ứng các trang phục y tế cho các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới.

Sau khi nhu cầu của khẩu trang vải đã tương đối bão hòa, chúng tôi làm những mặt hàng mà May 10 chưa bao giờ làm. Ví dụ như xưởng Veston nam của chúng tôi làm cả Veston nữ, váy nữ, quần nữ. Thậm chí, chúng tôi làm cả những hàng dệt kim. Xưởng sơ mi của chúng tôi làm những hàng dệt kim như áo T shirt, Polo shirt, rồi bộ quần áo ngủ… Đấy là bước chuyển đổi thứ hai sau khi chúng tôi chuyển đổi lần thứ nhất là sản xuất khẩu trang.

Băng Dương (Thực hiện)