Mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nhưng NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo thông tin tại toạ đàm trao đổi về Báo cáo ổn định tài chính cho hay, trong năm 2023, trên thế giới, căng thẳng địa chính trị và rủi ro biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới, đặt ra thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu. Kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại, diễn biến trái chiều ở nhiều quốc gia, thương mại toàn cầu suy giảm, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn dai dẳng, tổng nợ toàn cầu tăng, các NHTW lớn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ… Rủi ro ổn định tài chính gia tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tính dễ bị tổn thương tiềm ẩn trong hệ thống tài chính.
Trong nước, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại rõ rệt. CPI năm 2023 được kiểm soát ở mức tương đối tốt, tỷ giá trong nước chịu áp lực lớn tại một số thời điểm trong năm 2023 nhưng vẫn tương đối ổn định so với các nước khác trong khu vực.
Mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nhưng NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành theo hướng phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
NHNN đã triển khai các giải pháp hướng tới giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Chính sách tiền tệ nổi bật giai đoạn này là NHNN liên tục có 04 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN còn triển khai các biện pháp khác nhằm hạ lãi suất như chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; phối hợp với Hiệp hội ngân hàng kêu gọi cũng như yêu cầu các TCTD triển khai các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả là đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua một số giải pháp như đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, vừa nâng cao năng lực của quốc gia; xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp...
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện pháp lý, có các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế thông qua việc giảm giá hàng tiêu dùng, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng hỗ trợ an sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.
Báo cáo Ổn định Tài chính năm 2023 được xây dựng trên cơ sở thu thập số liệu từ đầu năm 2023 đến hết năm 2023 (số liệu thu thập và tổng hợp đến hết ngày 29/03/2024) gồm 4 phần chính:
Bối cảnh kinh tế - tài chính trong và ngoài nước năm 2023; Đánh giá rủi ro và tổn thương hệ thống tài chính; Kiểm tra sức chịu đựng đối với khả năng thanh toán lãi vay của khu vực doanh nghiệp niêm yết, kiểm định sức chịu đựng của các D-SIB, qua việc kiểm định nhằm đánh giá sức chịu đựng trước các giả định về các cú sốc tiêu cực, nghiêm trọng.
Phần 4 là Dự báo và khuyến nghị chính sách nhằm phản ánh triển vọng kinh tế năm 2024 và tư vấn chính sách trong phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro hệ thống có nguy cơ xảy ra, nhằm phối hợp với các chính sách vĩ mô khác trong việc tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng trước bối cảnh toàn cầu cũng như trong nước biến động.