Một là, quản lý tốt đường biên, mốc giới và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Với Lào, cần quản lý tốt đường biên giới đã được xác lập, phối hợp với bạn xử lý các vấn đề phát sinh trên tinh thần hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Mặc dù hai nước đã phân giới cắm mốc toàn bộ đường biên giới và hiện tập trung vào công tác quản lý biên giới, nhưng vẫn còn các vấn đề liên quan đến bảo vệ cột mốc, như bị mốc, hư hại, sạt lở... ảnh hưởng đến sự ổn định, rõ ràng của đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới.
Với Cam-pu-chia, cần quản lý tốt đường biên, mốc giới và thúc đẩy hợp tác tại các khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc; duy trì quản lý ổn định tại các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, không để các vấn đề tồn đọng ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Trong những năm qua, ngoài lực lượng chính quy bảo vệ biên giới là bộ đội biên phòng thì phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, an ninh, trật tự thôn, làng đã phát triển rộng khắp ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy tinh thần toàn dân tham gia bảo vệ biên giới để bảo đảm sự ổn định, bền vững của đường biên giới.
Tình hình khu vực biên giới vùng Tây Nguyên hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp như tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm về ma túy. Các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ hoạt động tuyên truyền, lợi dụng các vấn đề về tự do, dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền kích động cộng đồng người dân tại đây nhằm chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Do đó, việc quản lý đường biên, mốc giới cần gắn với công tác bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Hai là, từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.
Hiện nay, hai nước còn khoảng 16% số đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm hơn 50%. Qua nhiều diễn đàn trao đổi ở các cấp, hai bên đều bày tỏ thiện chí giải quyết các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trên tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều ước, thoả thuận quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Do đó, tiếp tục hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 16% số đường biên giới còn lại là công việc cấp bách trước mắt góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước cũng như quan hệ hữu nghị với Cam-pu-chia.
Ba là, hoàn thiện khung pháp lý song phương về quản lý biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý song phương về quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới đất liền là điều kiện quan trọng để duy trì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trong thời gian tới, bên cạnh triển khai có hiệu quả “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào”, hai nước sẽ cùng nhau tổ chức rà soát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện Hiệp định theo chu kỳ 10 năm nhằm củng cố hơn nữa khuôn khổ pháp lý song phương về quản lý đường biên, mốc giới và cửa khẩu biên giới sao cho phù hợp với tình hình mới.
Trong quan hệ về quản lý biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, dù hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% số đường biên giới chung, nhưng vẫn khó khăn, lúng túng trong việc phối hợp xử lý các vụ việc phát sinh trên biên giới. Vì vậy, trong việc thực hiện Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2019, cần thúc đẩy sớm triển khai đàm phán với phía Cam-pu-chia để ký kết Hiệp định Quy chế biên giới mới và Hiệp định về cửa khẩu thay thế Hiệp định năm 1983. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức lực lượng, triển khai hoạt động chuyên môn tại khu vực biên giới, góp phần duy trì ổn định trên toàn tuyến cũng như tại các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, góp phần tạo môi trường ổn định cho hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo đà để hai nước từng bước giải quyết dứt điểm 16% số đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc còn lại.
Bốn là, thúc đẩy công tác quản lý và phát triển cửa khẩu, hợp tác phát triển kinh tế vùng biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương hai bên.
Việc trước mắt, tiếp tục tăng cường công tác quản lý và phát triển cửa khẩu, thúc đẩy kinh tế biên giới thông qua: Quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu, các khu vực kinh tế trọng điểm trên khu vực biên giới cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối nhằm đẩy mạnh giao thương, tạo sự đan xen chiến lược cũng như hiện thực hóa chiến lược hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế vùng biên giới phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương hai bên có ý nghĩa thúc đẩy giao thương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và hai nước nói chung. Đặc biệt là, quá trình tăng cường hợp tác trong “Tam giác phát triển” sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới ba nước. Đây là nhân tố rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới và ở mỗi nước.
Năm là, tăng cường xây dựng các công trình vừa bảo đảm mục tiêu quốc phòng - an ninh, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội dọc theo tuyến biên giới Tây Nguyên nhằm khai thác tiềm năng đất đai và tạo thế chiến lược về quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Thông qua các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng (cầu, đường giao thông, hệ thống lưới điện, các trạm quân - dân y kết hợp, tuyến đường tuần tra, công trình phòng thủ) khu vực biên giới Tây Nguyên được tập trung đầu tư xây dựng, vừa phục vụ dân sinh xã hội, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh.
Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển là mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định và quyết tâm thực hiện nhất quán, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, do đó, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Tây Nguyên luôn gắn liền với xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia càng trở nên quan trọng. Để phát huy vị trí tiềm năng của vùng, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác biên giới; phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; và triển khai tốt hoạt động đối ngoại với các tỉnh các nước láng giềng. Thực hiện tốt công tác biên giới không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên nói riêng, khu vực “Tam giác phát triển”, mà còn tạo động lực cho sự nghiệp duy trì và củng cố đường biên biên giới với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia luôn hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Thuý Nga (lược trích), Hoàng Hà, Ngọc Dũng