Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư đường dây 500kV 'cứu điện' cho miền Bắc
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa.
Nhà đầu tư dự án là Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mục tiêu của dự án là giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp. (Xem thêm)
Hàng chục dự án muốn bán điện trực tiếp, không qua EVN
Bộ Công Thương vừa tiếp tục có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (DPPA)
Theo Bộ Công Thương, khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo vào tháng 5/2022 của đơn vị tư vấn cho thấy, có 24/95 dự án muốn mua bán điện “sạch” không qua EVN. Ngoài ra, 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng. (Xem thêm)
Ủy ban Quản lý vốn đề nghị kỷ luật lãnh đạo EVN để thiếu điện
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất mức kỷ luật khiển trách đối với một số lãnh đạo EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) do để gián đoạn cung ứng điện.
Theo đó, Ủy ban đã đề xuất kỷ luật khiển trách đối với các lãnh đạo của EVN, gồm: ông Dương Quang Thành - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Trần Đình Nhân - thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Ủy ban đang tiếp tục phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương chỉ đạo EVN ban hành các quyết định kỷ luật cán bộ và kỷ luật đảng viên. (Xem thêm)
Bộ trưởng Tài chính: Cải cách tiền lương đồng thời tăng lương hưu từ 1/7/2024
Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng và nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ để cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. (Xem thêm)
VCCI đề xuất giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính phản hồi về việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024. VCCI kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi xin ý kiến về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024. Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. (Xem thêm)
Đề nghị ngân hàng "tìm cách" giảm tiếp lãi suất cho khoản vay mới, dư nợ cũ
Ngày 27/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai Công điện số 990 của Thủ tướng về giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ. Báo Dân Trí thông tin, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.
Theo NHNN, tính đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế mới tăng 6,81% so với cuối năm 2022. Nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ những năm trước chủ yếu là vì cầu tín dụng thấp.
Tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới
Theo số liệu mới nhất vừa được NHNN công bố, đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỷ đồng. Mức tăng này tăng mạnh so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7 liền trước hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,68% so với đầu năm, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Thủ tướng chỉ đạo loạt giải pháp quyết liệt phát triển thị trường bất động sản
Tại công điện được ban hành ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, NHNN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. (Xem thêm)