Một trong những tài liệu đáng để các cơ quan quản lý tham khảo khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng là ECCC - bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức vì Hoà bình và An ninh mạng, hiện đã được đưa vào Chương trình giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO.

Trước đây 2 năm, nhân ngày Toàn cầu Về An ninh mạng, ngày 12/12/2015, tại Đại học Harvard, Diễn đàn Toàn cầu Boston đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức vì Hoà bình và An ninh mạng (ECCC) và đã được đưa vào Chương trình giáo Cục công dân toàn cầu của UNESCO và Đại học California Los Angeles UCLA và Thư viện các chuẩn mực đạo đức.

Bộ quy tắc ECCC được tạo nên bởi những chuyên gia, học giả, nhà lãnh đạo có uy tín cao là Thống đốc Michael Dukakis, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 1988, ông Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Tổng Biên Tập VietNamNet, ông Allan Cytryn, Giáo sư Nazli Choucri ( Đại học MIT), Giáo sư Thomas Patterson ( Đại học Harvard ), Giáo sư Derek Reveron ( Học viện Hải Quân), Giáo sư John E. Savage ( Đại học Brown), Giáo sư John Quelch ( Đại học Harvard ), Giáo sư Carlos Torres ( Đại học UCLA).

Bộ quy tắc đưa ra các khuyến nghị nhằm duy trì an ninh, tính ổn định và tính toàn vẹn của không gian mạng. Bộ quy tắc đưa ra những hành động cụ thể hướng đến 5 nhóm đối tượng chính, bao gồm người truy cập, các nhà hoạch định chính sách, các kỹ sư công nghệ thông tin, doanh nghiệp và đơn vị giáo dục/người có ảnh hưởng.

{keywords}
Giáo sư Michael Dukakis, Cựu Thống đốc bang Massachusetts, Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 1988, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston công bố ECCC tại Ngày Toàn Cầu về An Ninh Mạng 12/12/2015.

Theo Bộ quy tắc ứng xử ECCC, người truy cập nên thực hiện hai việc là cư xử có trách nhiệm trên Internet và tìm hiểu và áp dụng các phương pháp bảo mật tốt nhất.

Cụ thể, người truy cập cần chu đáo, cân nhắc trong hành vi và tôn trọng người khác; không truy cập các trang web đáng ngờ; không chia sẻ nội dung hay thông tin từ các nguồn không đáng tin cậy. Đồng thời, người truy cập cũng cần chú ý chỉ nên cập nhật phần mềm khi được thông báo bởi nhà cung cấp; cài các phần mềm chống virus trên thiết bị; dùng mật khẩu mạnh, giữ bí mật và thay đổi mật khẩu định kỳ; không cung cấp thông tin nhận dạng cá nhân trên các trang web lạ; duy trì sự nghi ngờ lành mạnh đối với những email không rõ nguồn; đối với các web thông tin, hãy truy cập những trang web HTTPS khi có thể thay vì HTTP.

Dựa trên những khuyến nghị của Nhóm chuyên gia Chính phủ của Liên hợp quốc (GGE) năm 2015, G20, của Diễn đàn Toàn cầu Boston cho Hội nghị thượng đỉnh G7 , Bộ quy tắc ứng xử ECCC cũng đưa ra một số những chỉ tiêu quan trọng dành cho các nhà hoạch định chính sách. Trong đó có một số điều có thể áp dụng tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) như áp dụng trực tuyến luật quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; không nên cho phép hoạt động CNTT&TT độc hại trong lãnh thổ; hỗ trợ các quốc gia bị tấn công mạng; tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận; bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng để tránh sự tấn công CNTT&TT; không nên tiến hành hoặc cho phép dùng CNTT&TT nhằm làm hư hỏng hoặc làm suy yếu cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia khác; đảm bảo tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng để đảm bảo sự tin cậy về an ninh của sản phẩm CNTT&TT; ngăn chặn sự gia tăng của các công cụ CNTT&TT độc hại; khuyến khích báo cáo những lỗ hổng và chia sẻ các biện pháp khắc phục; không thực hiện hoặc hỗ trợ các hành vi trộm cắp trí tuệ tài sản, bí mật thương mại hoặc các thông tin liên quan đến lợi ích thương mại; phối hợp nghiên cứu và phát triển về an ninh, bảo mật và khả năng phụ hồi của hệ thống. goài ra, Bộ quy tắc ứng xử ECCC cũng khuyến nghị không nên tạo ra và không dung thứ cho việc phổ biến thông tin giả.

Cùng với đó, các kỹ sư CNTT cũng được gợi ý nên áp dụng các kỹ thuật tốt nhất trong việc thiết kế, triển khai và kiểm tra sản phẩm nhằm tránh các lỗ hổng về CNTT & TT và bảo vệ sự riêng tư cũng như các dữ liệu của người dùng; áp dụng khung NIST về “cải thiện an ninh không gian mạng cho các hạ tầng sống còn” (Framework for Improving Critical Infrastructure Cybersecurity); không nên tạo ra hoặc sử dụng công nghệ để phổ biến tin tức giả mạo.

Đối với đối tượng là các doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp, Bộ quy tắc ứng xử khuyến nghị nên chịu trách nhiệm xử lý những dữ liệu quan trọng của công ty được lưu trữ điện tử; tuyển dụng những nhân viên có đủ năng lực để thiết kế các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an ninh cao; đảm bảo cập nhật những những mối đe doạ CNTT & TT mới nhất; triển khai khả năng phục hồi của hoạt động kinh doanh; hợp tác với các doanh nghiệp khác về vấn đề an toàn, an ninh mạng.

Cuối cùng, đối với những đơn vị giáo dục, nhà giáo dục, những người có ảnh hưởng và chính quyền cần phải phổ biến những trách nhiệm của công dân được nhắc đến ở trên, bao gồm khuyến khích hành vi tốt và tránh các hành vi nguy hiểm; giúp công dân tiếp cận các kỹ năng nhận biết và ứng phó trước thông tin giả cũng như không phổ biến thông tin giả; đồng thời có trao thưởng, công nhận cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đóng góp tạo nên một không gian mạng an ninh và an toàn.

ECCC là một Bộ Quy tắc có giá trị tốt và có thể áp dụng rộng rãi ở các quốc gia. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam năm 2015, cùng với những lãnh đạo thế giới như Thủ Tướng Abe, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon… cũng đã hoan nghênh Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức vì hoà bình và an ninh trên mạng ECCC.

Việt Nam có thể vận động, giáo dục người dân sử dụng ECCC, và từ đó bổ sung thành bộ quy tắc ứng xử trên mạng cho Việt Nam để tăng cường văn minh và an toàn thông tin trên mạng, vừa là sử dụng những giá trị của các nước tiên tiến, vừa đẩy nhanh quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng. Nếu mọi người dân tôn trọng áp dụng ECCC thì đã giải quyết được tới 80% vấn đề về an ninh và an toàn thông tin trên mạng.

Bùi Ngọc Hà