Ít ai biết, 31 năm về trước, tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của Trung Quốc đã chào đời, được đặt tên là Trịnh Manh Châu. Và vào ngày 15/4 vừa qua, tại chính bệnh viện đó, Manh Châu đã trở thành mẹ, hạ sinh một bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Manh Châu - em bé ống nghiệm đầu tiên của Trung Quốc vừa hạ sinh bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh nặng 3,8kg, dài 52cm.
Bác sĩ cho biết bé nặng 3,85kg, dài 52cm, được sinh bằng phương pháp đẻ mổ. Theo Manh Châu, quá trình thụ thai con trai diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không qua bất kỳ phương pháp hỗ trợ nào.
“Tôi cảm thấy hơi choáng váng và nghĩ rằng tất cả giống như một giấc mơ”, mẹ của Manh Châu, bà Trịnh Quế Trân chia sẻ, “Thời gian trôi thật nhanh, cuối cùng Manh Châu cũng có đứa con của chính mình”.
Được biết, con trai của Manh Châu vẫn chưa được đặt tên. Nhưng bà Quế Vân muốn đặt tên cháu mình theo tên của bác sĩ Trương - ân nhân đã giúp đỡ bà trong quyết định thụ tinh ống nghiệm năm xưa.
Bà Quế Vân cũng không ngần ngại tiết lộ hơn 30 năm trước, bà bị bệnh tắc ống dẫn trứng, không thể sinh con. Sau khi nghe trên đài phát thanh rằng một bệnh viện ở thủ đô đang thực hiện nghiên cứu về ống nghiệm, bà và chồng đã đi một quãng đường dài từ Tây Bắc đến Bắc Kinh để tìm cách điều trị sinh sản. “Lúc đó tôi không biết ống nghiệm là gì, tôi chỉ muốn có con thôi”, bà Trân nói.
Sau khi được bác sĩ giải thích phương pháp, cặp vợ chồng trẻ đồng ý thử nghiệm và đã thành công, bé gái Trịnh Manh Châu chào đời vào ngày 10/3/1988 với trọng lượng 3,9kg. Sự ra đời của Manh Châu khi đó được coi là sự kiện chấn động Trung Quốc và đem lại hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh.
Bà Quế Trân hạnh phúc bế bé Manh Châu đỏ hỏn trên tay vào 31 năm trước.
Mặc dù nổi tiếng từ rất sớm nhưng Manh Châu cho biết cô không bao giờ nghĩ mình là người đặc biệt. “Giống như mọi người khác, tôi cũng chỉ ăn, học, yêu và cưới. Tôi chỉ là một người bình thường”, cô nói. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Manh Châu xin vào làm văn thư tại bệnh viện số 3 đại học Bắc Kinh nhằm hỗ trợ cho những gia đình hiếm muộn giống như bố mẹ mình.
Thụ tinh ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization - IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (2-5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ và bắt đầu quá trình mang thai.
Trên thế giới, khả năng IVF thành công là khoảng 40-45%, con số này sẽ giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau tuổi 40).
Thụ tinh ống nghiệm mang lại hiệu quả thành công cao đối với các trường hợp: tắc và tổn thương vòi trứng hoặc không có ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, bất thường tinh trùng nhẹ, vô sinh không rõ nguyên nhân ở cả vợ lẫn chồng. Kỹ thuật này cũng được áp dụng khi người phụ nữ không thể thụ thai với các phương pháp điều trị vô sinh khác trong thời gian dài trước đó.
Ca phẫu thuật thụ tinh ống nghiệm thành công đầu tiên trên thế giới diễn ra tại Anh vào ngày 25/7/1978, Đó là bé Louse Joy Brown đã ra đời tại bệnh viện Đa khoa Oldham and District ở Manchester, Anh. Đến nay, theo thống kê đã có khoảng gần 7 triệu em bé được sinh ra nhờ phương pháp này.
An An (Dịch theo Asiaone)
Hai trẻ song sinh cùng mẹ khác cha, người vợ trẻ thú nhận ngoại tình
Một người phụ nữ ở Trung Quốc đã sinh ra cặp song sinh với cùng mẹ khác cha. Đây được coi là trường hợp rất hiếm khi xảy ra trên thế giới.