Khi mang thai được 36 tuần, một nhân viên y tế tuyến đầu ở bang Florida (Mỹ) đã được tiêm mũi vắc xin Moderna đầu tiên. Ba tuần sau, cô sinh một bé gái khỏe mạnh có kháng thể Covid-19.

Các bác sĩ xác định đây là em bé đầu tiên được sinh ra có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 ở Mỹ.

{keywords}

Ảnh minh họa: TechCrunch

Tiến sĩ Paul Giblert và Tiến sĩ Chad Rudnick phát hiện ra hiện tượng trên sau khi phân tích máu từ dây rốn của em bé được lấy trước và sau khi chào đời.

Họ kết luận: “Chúng tôi đã chứng minh rằng kháng thể SARS-CoV-2 có trong mẫu máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chỉ sau một liều vắc xin Moderna. Do đó, việc tiêm chủng cho người mẹ có khả năng giảm nguy cơ mắc Covid-19 cho con”.

Tuy nhiên, các bác sĩ nhấn mạnh cần phải nghiên cứu thêm để xác minh tính an toàn và hiệu quả của vắc xin trong thai kỳ.

Giới chuyên môn đã biết về những trường hợp người mẹ từng nhiễm Covid-19 có thể truyền kháng thể cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc truyền kháng thể từ mẹ sang con qua nhau thai cũng được ghi nhận trong các loại vắc xin khác, bao gồm cả vắc xin cúm.

Những kết quả tích cực ban đầu có thể khiến các phụ nữ mang thai cân nhắc việc tiêm chủng.

Nhà miễn dịch học Neeta Ogden đánh giá: “Thông tin này đáng hy vọng vì vắc xin cung cấp mức độ bảo vệ nhất định cho trẻ sơ sinh, một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất”.

Tiến sĩ Ogden nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm về tác dụng của vắc xin với phụ nữ mang thai.

Vì chưa có loại vắc-xin Covid nào được dùng cho trẻ nhỏ, bà Ogden nói: "Nếu chúng ta thấy loại kháng thể truyền từ mẹ sang trẻ sơ sinh an toàn, tôi nghĩ đó thực sự là một bước đi đúng hướng tuyệt vời".

Một nghiên cứu khác cũng đã củng cố thêm phát hiện trên. Bệnh viện Đa khoa Massachusetts gần đây đã nghiên cứu 131 phụ nữ - 84 người đang mang thai, 31 người cho con bú và 16 người không mang thai - tất cả đều được tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna.

Họ nhận thấy phản ứng miễn dịch mạnh ngang nhau ở phụ nữ mang thai, cho con bú như nhóm đối chứng. Ngoài ra, trong nhau thai và sữa mẹ đều có kháng thể.

Tiến sĩ Andrea Edlow cho hay: “Các kháng thể tạo ra từ vắc xin của người mẹ đã được phát hiện trong máu cuống rốn của tất cả 10 trẻ sinh ra trong giai đoạn nghiên cứu của chúng tôi”.

Tháng trước, Pfizer thông báo rằng họ đã bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn đầu tiên đối với vắc xin của mình trên phụ nữ mang thai, dự kiến kết thúc vào đầu năm 2023.

Vắc xin của hãng được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Mỹ vào tháng 12/2020 và hàng triệu người, bao gồm hàng nghìn phụ nữ mang thai, đã tiêm.

Johnson & Johnson, nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 vào tháng trước, nói rằng họ có kế hoạch đưa phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh vào nghiên cứu.

An Yên (Theo CBS News)

WHO ca ngợi tiềm năng to lớn của vắc xin AstraZeneca

WHO ca ngợi tiềm năng to lớn của vắc xin AstraZeneca

Các chuyên gia của WHO dành 3 ngày xem xét dữ liệu từ châu Âu, Ấn Độ để đánh giá về độ an toàn của vắc xin AstraZeneca.