Với tài năng và phẩm giá của Trịnh Công Sơn, có lẽ đã và sẽ có nhiều hơn thế những bộ phim về anh. Nhưng làm một bộ phim về một con người rất thật, với bao nhiêu giai điệu, ca từ đã quá quen thuộc, Sơn như một phần làm đẹp thêm, giàu hơn cho tiếng Việt, thanh âm Việt, văn hóa Việt nên gần như trong ai cũng có một hình dung Trịnh Công Sơn của riêng mình thì quả thật, đó lại là thách đố với nhà làm phim. Vì với từng nhân vật đi qua đời Sơn, hiện diện hay vô ảnh mà hữu hình trong mọi khuôn nhạc của anh.

"Em và Trịnh" đã tự họa một chân dung Sơn thật đẹp, cảm xúc và tinh tươm" - NSND Bạch Tuyết. 

Âm nhạc, dĩ nhiên là linh hồn của phim, là vẽ nên hình hài của một Trịnh Công Sơn trong trẻo, thánh thiện, mẫn cảm. Nhưng, Em và Trịnh đã không phải là một phim điện ảnh - âm nhạc. Nó là một hành trình, một đường dẫn, một câu chuyện, một khoảnh khắc của âm nhạc trong thời loạn lạc, trong cảm thức yêu thương, đứt gãy, trong những ẩn chứa thời cuộc khó giãi bày.

Xem phim, để hiểu hơn và thương hơn con người Sơn, cả những người đàn bà đi qua cuộc đời Sơn. Một Lệ Mai đã bất ngờ chọn nghệ danh Khánh Ly bởi nỗi mặc cảm bị Sài Gòn từ khước mà đâu hay chính cái vẻ đẹp mộc, bàn chân thô đã “rót” âm nhạc Trịnh Công Sơn vào một Sài Gòn đang từng ngày rơi rụng hào quang. Một Dao Ánh là tình yêu trọn vẹn của Trịnh Công Sơn, là nỗi khát khao “Anh chỉ muốn bỏ lại sau lưng tất cả để có được Ánh mỗi sáng mai thức dậy và đi cùng em trên cuộc đời”. Một Michiko đầy ánh sáng, nhạc Trịnh se duyên nhưng đời Trịnh đã không kết nợ với người con gái Nhật Bản. Những bước nhạc trên phố núi, bên người tình, như thể một “La la land” lãng mạn.

Bạch Tuyết thích những vai diễn nữ trong phim. 

Sơn có tất cả họ nhưng Sơn vẫn một mình. Mỗi mình Sơn trong cái thế giới vừa gầm thét của đạn bom, chết chóc, vừa bình lặng, nồng say trong tình yêu, nỗi nhớ, gãy đổ. Sơn cứ như người một mình đi ngược lại cả thế giới.

Phim đã nắn nót sự trong trẻo Trịnh Công Sơn đúng nghĩa. Như bao lần, Sơn hỏi tôi nhưng là tự trả lời: “Răng mà con người ta lại có thể đối xử với nhau ác rứa Bạch Tuyết hè!”.

Câu trả lời chỉ là cái dấu hỏi, không hiểu hay chính Sơn bao dung, bỏ qua hết những gì người ta đã hời hợt với trái tim nồng nhiệt của anh. Họ nặng lời với sự cả tin hồn nhiên ở anh, hoài nghi khát vọng được ca hát trên quê hương hòa bình. Và cũng chỉ có khát vọng hòa bình là tiếng nói phản chiến mạnh mẽ nhất trong âm nhạc, con người Trịnh Công Sơn.

Những vai diễn Trịnh Công Sơn khá tròn, cái hay lại thuộc về… đạo diễn khi tạo nên những lát cắt, chuyển đổi hợp lý, mềm mại. Tôi lại thích những vai diễn của nữ hơn. Bùi Lan Hương vào vai Khánh Ly vừa có cái đáo để của Mai, vừa tự nhiên, tự tin “thoát xác” để diễn bằng chính hồn mình, từ ánh mắt, đài từ, giọng hát. Trong khi một Dao Ánh rất đẹp, rất thơ từ tạo hình đến không gian, tôi tò mò tìm hiểu có một chút “duyên nợ”, cô lại chính là “nàng thơ” của Hoàng Dũng - một partner trẻ của tôi trong Về nghe mẹ ru. Hoàng Hà hứa hẹn là một khuôn mặt điện ảnh mới, rất văn minh.

Nếu có một chút bật cười mà nghe như… quặn lòng, với tôi, là cảnh phim Trịnh Công Sơn được “đẩy” ra sân khấu… văn nghệ quần chúng trong vai trò một “nhạc sĩ cách mạng”. Thời cuộc đã khoác lên Sơn những chiếc áo mà chính “người mặc” cũng không hay, chỉ biết, trái tim nhân từ, tài năng thiên thu ấy mãi hồn nhiên, trong trẻo. Thương con người nghệ sĩ ấy, như thương chính bản thân mình.

Sơn hát cả trong bóng tối vì… cúp điện nhưng ánh sáng tâm hồn Sơn đã thắp và thức dậy cả khán phòng, hay chính những người nghe nhạc đã, vẫn luôn yêu Sơn, hiểu Sơn. Thoáng bắt gặp A Star is born của Lady Gaga và Bradley Cooper, đẹp và mộc.

Hôm qua, tôi lật mấy trang sách cũ, tình cờ rơi tấm thiệp chúc sinh nhật nhà tôi, cha của con trai tôi, do Trịnh Công Sơn ghi tặng, cả hai cùng tuổi cọp. Nhà hồi ấy cách nhau mấy trăm thước. Thỉnh thoảng chúng tôi “gầy độ” ở sân nhà. Bên tôi, Sơn lém lỉnh đó rồi lại thủ thỉ: "Đời có nhiều trò vui, ăn thua là ai biết cách bày trò để chơi, để vui thôi Bạch Tuyết hè!".

Thì như hôm nay, sau bao năm Sơn giã từ, người thân và những nghệ sĩ trẻ, tử tế, tài năng, họ đã cùng nhau “bày trò” thật tử tế, đẹp đẽ. Em và Trịnh - một tác phẩm điện ảnh Việt xứng đáng để xem, để làm dịu lại lòng mình trong những bức bối, để cùng cất tiếng: “Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối. Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui mới. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời…”.

NSND, Tiến sĩ Bạch Tuyết

Độc giả có thể gửi ý kiến của mình về bộ phim 'Em và Trịnh' tới địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn

Khen 'Em và Trịnh' cảnh, quần áo và diễn viên đẹp có phải là một thất bại?'Em và Trịnh' là một phim điện ảnh tiểu sử đúng nghĩa, có lẽ là đầu tiên của Việt Nam.