Những ngày đầu xuân Mậu Tuất này, có một chuyện rất lạ lùng ở Hậu Giang khiến dư luận xã hội hết ngạc nhiên đến bất bình.

Đó là việc UBND tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh phải có các giải pháp hỗ trợ ngành mía đường. Trước mắt, mỗi cán bộ công nhân viên phải mua một lượng đường nhất định. Những ngày tới, UBND tỉnh sẽ phân chia cụ thể số lượng đường cần phải mua tới các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Sở dĩ có việc đó, là vì nhà máy đường Cần Thơ đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện đang tồn kho một lượng đường khổng lồ, tới 30.000 tấn. Lý do là khách hàng đang chờ đợi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan.

{keywords}
Nhà máy đường tồn kho lớn phải nhờ “giải cứu” khiến nông dân rất lo lắng cho vụ mía tới 

Thật không gì có thể vô lý hơn. Mua cái gì là quyền của người tiêu dùng. Và cùng một thứ hàng nhưng chọn mua của người nào bán với giá rẻ hơn cũng là quyền của người tiêu dùng, một thứ quyền bất khả xâm phạm. Thị trường là vậy, thị trường là cạnh tranh một cách sòng phẳng, lành mạnh. Cùng một loại hàng hóa, nhưng ai sản xuất được với giá thành thấp, bán ra thị trường với giá rẻ hơn thì hàng sẽ chạy. Trên thế giới, có lẽ duy nhất chỉ có tỉnh Hậu Giang là địa phương dùng mệnh lệnh hành chính để bắt người ta mua một thứ hàng với giá đắt. Có thể nói, đó là một thứ tư duy quái đản ở thời đại công nghiệp 4.0

Số lượng CBCNV của tỉnh Hậu Giang được bao nhiêu? Giả sử là 10.000 người chẳng hạn, thì để tiêu thụ hết 30.000 tấn đường tồn kho đó, mỗi người phải mua tới 3 tấn, và nếu con số đó là 15.000, thì mỗi người cũng phải mua tới 2 tấn. Với số lượng đó, họ phải bỏ ra bao nhiêu tháng lương? Và mua về để đổ xuống sông xuống biển ư? Vả lại nếu năm nay nhờ mệnh lệnh đó mà nhà máy đường Cần Thơ tiêu thụ hết số đường tồn kho, thì với diện tích 14.000 ha mía của tỉnh Hậu Giang, với cách sản xuất cũ, giá cao, sang năm nhà máy sẽ vẫn tồn một lượng đường như thế, thì chẳng lẽ sang năm, UBND tỉnh vẫn tiếp tục “tính đầu bổ sỏ” chia số đường tồn về cho các sở, ban, ngành?

Dùng mệnh lệnh hành chính bắt CBCNV phải mua đường để “giải cứu” nhà máy. Nhưng nếu họ không mua thì sao? Chẳng lẽ UBND tỉnh sẽ kỷ luật họ bằng cách cắt tiêu chuẩn thi đua? Cách chức? Hạ bậc lương? Hay đuổi việc? Pháp luật nào cho phép làm như thế?

Để đối phó với đường Thái Lan giá rẻ, thì con đường duy nhất của nhà máy đường Cần Thơ là đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng năng suất mía, để sản xuất ra những cân đường có giá thành thấp hơn của Thái Lan, để không những được người trong nước chấp nhận, mà còn có thể xuất khẩu ngược sang đất nước họ. Ngoài con đường đó, không còn con đường thứ hai. Còn nếu cứ bám mãi vào những mệnh lệnh hành chính của UBND tỉnh Hậu Giang, thì trước sau cũng chết. Vì UBND tỉnh Hậu Giang không thể bắt ép CBCNV của mình mãi được, mà bắt ép CBCNV của tỉnh khác thì không thể.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)