Các hội nhóm trên mạng xã hội cho biết, hiện nay đã có hàng nghìn người bỏ tiền vào đây. Thế nhưng, lãi "khủng" đâu chưa thấy mà còn có nguy cơ mất cả gốc, khi ngân hàng điện tử tự xưng này đến nay đã không còn hoạt động.

{keywords}
Không đòi lại được số tiền 200 triệu tham gia vào Etop Bank, cũng không dám trở về nhà, giờ đây, người phụ nữ này chỉ còn cách rời xa quê hương đến Thủ đô để làm thuê, làm mướn.

Những ngày gần đây, hàng chục người dân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đến đây để gặp những người môi giới, mong lấy lại được số tiền khi gửi vào ngân hàng tự xưng Etop Bank, nhưng lần nào cũng đều thất bại, do môi giới không đến.

"Tôi liên hệ với chị rủ tôi vào chơi. Tôi nhắn tin cho chị nhưng chị ấy không trả lời và gọi điện cũng không nghe máy. Ba ngày sau tôi thấy thông báo sàn đã sập", người tham gia gửi tiền vào Etop Bank cho biết.

Hiện website của dự án Etop bank đã đóng. Những người vốn tự xưng đứng đầu dự án cũng đã biệt tăm. Tài khoản bị khóa, 200 triệu đi vay nặng lãi gửi vào Etop Bank giờ có nguy cơ mất trắng, nên suốt 3 tuần qua, người phụ nữ tham gia gửi tiền vào Etop Bank không dám trở về nhà.

"Cầm nhà, cầm cửa. Về nhìn mọi người cũng thấy ngại, vì mình mang tiếng là người đàn bà phá hoại, không phải chồng phá nữa mà là vợ phá", người phụ nữ tham gia gửi tiền vào Etop Bank bày tỏ.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, ước tính hiện có khoảng 1.500 là nạn nhân của đường dây ngân hàng tự xưng Etop Bank. Đa số là đi vay để tham gia, người ít thì vài chục triệu, người nhiều đến tiền tỷ đồng. Không ít trong số đó đã không còn khả năng trả nợ.

Theo luật sư, mô hình huy động vốn, hứa hẹn trả lãi cao của Etop Bank ngay từ ban đầu đã có các dấu hiệu bất thường. Do không có sản xuất kinh doanh thật sư, nên khả năng cao sẽ là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Chiêu thức đặt tên là "Etop Bank" nhằm mục đích khiến người tham gia dễ bị nhầm tưởng đó là ngân hàng.

{keywords}
Hiện website của dự án Etop bank đã đóng.

"Tôi thấy đây là dấu hiệu của trò lừa đảo, đó là hành vi nhận tiền rồi có hành vi trốn tránh trong nghĩa vụ trả tiền. Đây là sự kết hợp của huy động vốn trái phép, hoạt động đa cấp biến tướng dựa trên nền tảng công nghệ để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư", Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nhận định.

Trao đổi với phóng viên VTV, Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, Bộ Công an) cho biết, Bộ công an nhận định thời điểm cận Tết, các tội phạm hoạt động theo mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng sẽ có xu hướng gia tăng.

Để đấu tranh mạnh với loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan mở đợt cao điểm, tập trung trấn áp. Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia vào các mô hình dự án chưa đầy đủ tính pháp lý, lãi suất cao bất thường, để tránh mắc vào các đường dây lừa đảo.

(Theo VTV)