Theo website của Hội đồng châu Âu (EC), cả Hiệp định tự do thương mại (FTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam sẽ cùng được ký kết tại Hà Nội vào ngày 30/6 tới đây.

{keywords}
 

FTA giữa EU và Việt Nam dự kiến sẽ là thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất từng đạt được giữa khối với một nước đang phát triển. Hiệp định sẽ loại bỏ gần như hoàn toàn (99%) hàng rào thuế quan giữa hai bên.

Cụ thể, 65% các thuế suất đánh vào hàng hóa EU xuất sang Việt Nam sẽ không còn ngay sau khi FTA có hiệu lực và các thuế suất còn lại sẽ dần dần bị loại bỏ trong vòng 10 năm tới. Ngược lại, 71% các thuế suất đánh vào hàng hóa Việt Nam xuất sang EU sẽ biến mất khi hiệp định chính thức có hiệu lực và các thuế suất còn lại sẽ dần được gỡ bỏ hết trong vòng 7 năm.

FTA cũng sẽ giúp giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện hành đối với thương mại EU - Việt Nam, đồng thời mở cửa các dịch vụ và thị trường mua sắm công của Việt Nam cho các công ty EU. Trong khi đó, IPA sẽ tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

Là một trong những hiệp định song phương "thế hệ mới", thỏa thuận thương mại EU - Việt Nam cũng chứa đựng những điều khoản quan trọng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững. Về khía cạnh cuối cùng này, FTA bao gồm cả những cam kết triển khai các tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ chức Lao động quốc tế và các công ước của Liên Hợp Quốc ví dụ như liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hoặc bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá gần 50 tỷ Euro mỗi năm và gần 4 tỷ Euro xét về thương mại dịch vụ. Dù tổng đầu tư của EU tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ đạt 8,3 tỷ Euro trong năm 2016, nhưng ngày càng nhiều công ty châu Âu đang thiết lập cơ sở ở đây để phục vụ khu vực sông Mekong.

Các mặt hàng chính EU nhập khẩu từ Việt Nam là thiết bị viễn thông, quần áo và thực phẩm. EU chủ yếu vẫn xuất khẩu các mặt hàng như máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản sang Việt Nam.

Tuấn Anh