Theo bà Von der Leyen, 87 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được xuất khẩu qua cơ chế COVAX, trong khi số còn lại được phân phối theo các hợp đồng mà những quốc gia khác trả tiền để mua vắc xin được sản xuất tại EU.
Chủ tịch EC cũng cho biết trong những tháng tới, EU sẽ quyên góp ít nhất 500 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các quốc gia dễ bị tác động bởi dịch bệnh nhất, đồng thời kêu gọi các nước khác cùng tăng tốc trong việc chia sẻ vắc xin ra thế giới.
Ảnh minh họa: IDC |
Theo hãng thông tấn Reuters, EU bắt đầu xuất khẩu vắc xin từ khi các chiến dịch tiêm phòng đầu tiên trên thế giới được triển khai vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, các lô vắc xin chủ yếu được cung cấp cho các quốc gia lớn, trong khi số xuất khẩu hoặc quyên góp cho các nước nghèo hơn chỉ chiếm một phần nhỏ.
Cũng trong ngày 18/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đã bắt đầu quá trình đánh giá việc sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, trong đó có việc xem xét kết quả thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành đối với vắc xin này.
EMA thông báo, Ủy ban Các sản phẩm thuốc dùng cho người (CHMP) trực thuộc cơ quan này đã phê chuẩn việc mở thêm hai cơ sở sản xuất vắc xin mới của Pfizer/BioNTech. Hai cơ sở trên dự kiến sẽ cung cấp thêm 85 triệu liều vắc xin cho các nước thuộc EU trong năm nay.
Pháp sắp có vắc xin ‘hiệu quả ngang AstraZeneca’
Hãng dược Pháp Valneva hôm 18/10 thông báo, vắc xin Covid-19 có ký hiệu VLA2001 do hãng điều chế có khả năng tạo kháng thể chống lại virus corona với số lượng tương đương, song lại gây ít tác dụng phụ hơn vắc xin của AstraZeneca.
Trang tin Bloomberg, dẫn lại tuyên bố của Valneva ngày 18/10, cho biết kết quả này dựa trên các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin VLA2001 trên khoảng 4.000 người trưởng thành. Cùng ngày, Valneva cho biết họ đang chuẩn bị đệ đơn xin cấp phép lưu hành vắc xin VLA2001 lên Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).
Vắc xin Covid-19 của Valneva sử dụng công nghệ virus bất hoạt toàn thể. Công nghệ này giúp hệ miễn dịch tiếp xúc với toàn bộ virus, thay vì chỉ với protein gai của virus như nhiều loại vắc xin khác. Do đó, vắc xin của Valneva có tiềm năng tạo ra phản ứng miễn dịch rộng rãi hơn.
Yêu cầu nghiên cứu khẩn cấp biến thể Delta Plus
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã kêu gọi “nghiên cứu khẩn cấp” về đột biến của biến thể Delta, hay được gọi là Delta Plus.
"Chúng ta cần nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu xem liệu biến thể Delta Plus có lây truyền mạnh hơn và phần nào có khả năng kháng miễn dịch hay không", Tiến sĩ Scott Gottlieb viết trên Twitter. "Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy nó dễ lây truyền hơn, nhưng chúng ta nên hành động để nhanh chóng xác định đặc điểm của biến thể này cũng như các biến thể mới khác".
Bình luận trên được ông Gottlieb đưa ra trong bối cảnh Anh ngày 17/10 ghi nhận tới 45.140 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 7. Số ca tử vong bởi Covid-19 trung bình mỗi tuần ở nước này đã lên tới hơn 800 trong 6 tuần qua, cao hơn hẳn so với các quốc gia Tây Âu khác. Cho đến nay, Anh đã ghi nhận gần 140.000 ca tử vong bởi Covid-19.
Biến thể Delta Plus có chứa đột biến bổ sung được gọi là K417N, gây lo ngại vì có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái nhiễm. Dù vậy, các nhà nghiên cứu Anh hồi cuối tháng 6 tuyên bố vẫn chưa có bằng chứng cho thấy đột biến bổ sung này là mối lo ngại chính.
Một số thông tin đáng chú ý khác
- Theo trang thống kê Worldometers, thế giới tính đến sáng 19/10 (giờ Việt Nam) ghi nhận trên 241,7 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,9 triệu ca tử vong. Dù vậy, hơn 219 triệu người nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi. Hơn 2,8 tỷ người, chiếm khoảng 36,5% dân số thế giới, đã được tiêm đủ liều vắc xin.
- Malaysia trong hôm 18/10 ghi nhận 5.434 ca nhiễm Covid-19 mới. Đây là số ca nhiễm Covid-19 trong ngày thấp nhất của quốc gia Đông Nam Á này kể từ 28/6 cho đến nay.
- Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 18/10 tuyên bố, Auckland, thành phố lớn nhất và cũng là tâm dịch Covid-19 lớn nhất nước này, sẽ tiếp tục bị phong tỏa thêm 2 tuần nữa nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.
- Nhiều khu vực tại Nga, trong đó có thành phố St. Petersburg, thông báo sẽ áp dụng biện pháp quét mã QR để kiểm tra mức độ an toàn với Covid-19 của những người muốn vào bên trong các nhà hàng hoặc quán cà phê kể từ ngày 1/12 tới.
>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất
Việt Anh
Thuốc trị Covid-19 có dễ đến tay các nước nghèo?
Gần một năm sau khi các chiến dịch chủng ngừa Covid-19 đầu tiên được triển khai, phần lớn người dân ở các nước giàu đã tiêm đủ vắc xin trong khi thế giới nghèo hơn vẫn đang chật vật để có nguồn cung.
Cảnh báo về phân phối thuốc điều trị Covid-19 của Merck
Số ca nhiễm tại Nga tiếp tục đạt đỉnh mới, trong khi các tổ chức y tế quốc tế đưa ra các cảnh báo mới về việc phân phối thuốc điều trị Covid-19.