Dù gia đình chưa có người mắc Covid-19 nhưng chị Lan Anh (Hà Nội) vẫn lo lắng khi nhìn số ca mắc của cả nước tăng từng ngày. Qua người quen thường bán hàng 'xách tay' từ Nga về Việt Nam quảng cáo có thuốc phòng và chữa khỏi Covid-19, chị mua 3 hộp thuốc dự phòng (giá 550.000 đồng/hộp) và 2 hộp điều trị (3,5 triệu đồng/hộp).
“Bạn bán dặn thuốc điều trị được dùng cho khi mắc Covid-19 còn thuốc phòng dùng nếu mình trở thành F1, F2”, chị Lan Anh chia sẻ.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác quản lý, điều hành group mang tên “Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” với hơn 22.000 thành viên. Thực tế qua quá trình tư vấn, hỗ trợ F0, bác sĩ Tuấn gặp rất nhiều trường hợp người dân mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Lợi dụng tâm lý người dân lo lắng khi thấy dịch kéo dài, số ca mắc tăng lên mỗi ngày, một số đối tượng đã tìm cách lôi kéo người dân mua các đơn thuốc hay dụng cụ không cần thiết dưới mác “phòng chống, điều trị Covid-19”.
Một trong số những loại thuốc trôi nổi không rõ xuất xứ, đang được rao bán với quảng cáo điều trị Covid-19. Ảnh: TS.BS Hoàng Thanh Tuấn |
“Không chỉ bệnh nhân Covid-19 mà có nhiều người chưa là F0 cũng đã tích trữ rất nhiều thuốc trong nhà. Thuốc thường được quảng cáo là hàng xách tay của Nga, Trung Quốc. Lúc đầu giá bình thường nhưng sau khi quảng cáo là thuốc ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm và điều trị Covid-19, giá thuốc được 'thổi' lên 7 triệu, 9 triệu thậm chí là 10 triệu đồng/hộp”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, người dân tuyệt đối không nên mua những loại thuốc trên. Anh giải thích: “Sử dụng thuốc phải theo sự hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, các loại thuốc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do các loại thuốc này bị đẩy giá lên cao như vậy dễ bị làm giả, hàng nhái, rất nguy hiểm”.
Anh cũng cảnh báo tình trạng người dân mua thuốc theo đơn trên mạng. “Các đơn thuốc được kê tùy theo tình trạng, thể trạng của mỗi người và từng giai đoạn bệnh, không thể áp dụng chung đơn thuốc cho tất cả mọi người”, bác sĩ nhấn mạnh.
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn nhận định, bên cạnh việc tự mua thuốc, người dân còn có tâm lý tích trữ bình oxy, máy tạo oxy dù chưa mắc Covid-19 hoặc chưa có triệu chứng. Việc tích trữ này có thể gây ra tình trạng khan hiếm oxy, khiến nhiều người chuyển nặng không tiếp cận được nguồn oxy lúc cần.
“Hiện, số ca mắc cao nhưng số ca nặng, tử vong không nhiều. Quá trình tư vấn nhiều F0, chúng tôi cũng may mắn chưa gặp ca chuyển nặng. Vì vậy, việc người dân tích trữ bình oxy trong nhà sẽ gây ra sự lãng phí”, TS.BS Tuấn nói.
Theo bác sĩ, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân cần chuẩn bị các thuốc như thuốc hạ sốt, theo hàm lượng cho người lớn hoặc trẻ con. Ngoài ra, người dân chuẩn bị thêm nhiệt kế, máy đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có điều kiện).
“Việc bỏ ra chục triệu mua thuốc rất lãng phí và đôi khi mua nhầm thuốc giả còn gây nguy hiểm. Hiện tại, nước ta đang có nhiều thuốc kháng virus SARS-CoV-2 hiệu quả, miễn phí như Molnupiravir, Favipiravir… Vì vậy người dân nên dừng việc mua thuốc theo việc truyền miệng để tránh tiền mất tật mang”, bác sĩ khuyến cáo.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà nêu rõ thuốc điều trị cho F0 trên 18 tuổi gồm 3 nhóm là nhóm A, B và C.
Nhóm A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg) và thuốc nâng cao thể trạng (Vitamin tổng hợp, Vitamin C).
Nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Nhóm thứ ba là nhóm C bao gồm các thuốc kháng virus: Monupiravir, Favipiravir.
Mới đây, Bộ Y tế cũng ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.
Bộ nêu rõ nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước, thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ thuốc Remdesivir, Favipiravir...).
Bộ Y tế cũng điều chỉnh một số chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đối với Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir. Đây là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam.
Ngọc Trang
Ngày 20/12, Hà Nội lần đầu vượt ngưỡng 1.600 ca Covid-19
Sở Y tế Hà Nội hôm nay công bố 1.641 trường hợp Covid-19 với 406 ca cộng đồng, 1021 trường hợp đã cách ly từ trước và 214 người trong khu phong tỏa.
Bộ Y tế điều chỉnh cách dùng thuốc Favipiravir cho bệnh nhân Covid-19
Tại quyết định mới nhất của Bộ Y tế, thuốc kháng virus Favipiravir được dùng điều trị F0 nhẹ và trung bình trong 5-7 ngày, thay vì trước đó chỉ dùng cho bệnh nhân nhẹ và thời gian từ 7-14 ngày.