Tại Tọa đàm về bảo vệ quyền riêng tư người dùng khi chuyển sang chính phủ số trong khuôn khổ Diễn đàn Internet 2019 ngày 21/3/2019 đã thảo luận về vấn đề bảo vệ thông tin người dùng thế nào khi Việt Nam có tỷ lệ người dùng Internet, người dùng điện thoại thông minh, số lượng người truy cập vào các mạng xã hội ngày càng nhiều.
Facebook nắm giữ hết bí mật của người dùng
Theo bà Noelle de Guzman, Giám đốc chính sách khu vực của Internet Society Panelist, dữ liệu cá nhân của người dùng Internet có nguy cơ bị tiết lộ khi họ truy cập Internet để sử dụng các dịch vụ online. Ví dụ như lộ thông tin thẻ tín dụng, các thông tin về tài khoản ngân hàng hay nhiều thông tin cá nhân khác như địa chỉ, điện thoại, email, sở thích mua sắm…
Sự mất an toàn thông tin cá nhân, lộ lọt quyền riêng tư còn có nguy cơ trên các nền tảng Facebook và mạng xã hội khác. Ví dụ, dù người dùng không muốn chia sẻ nhưng Facebook đã biết rất nhiều dữ liệu về người dùng, Facebook đã lưu trữ thông tin người dùng và có nhiều khả năng được chia sẻ và lưu trữ cho những tổ chức khác. Việc lạm dụng hay sử dụng thông tin riêng tư của người dùng như vậy trong năm qua đã trở thành các vụ scandal với Facebook trên thế giới.
“Facebook thậm chí còn biết thông tin riêng tư của người dùng nhiều hơn bạn đời của chính người đó”, bà Noelle de Guzman nói.
Chính vì nguy cơ mất an toàn cho người dùng mạng xã hội, nên một số nước đã ra luật lệ về bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng mạng Internet và yêu cầu Facebook phải kiểm soát thông tin người dùng hiệu quả hơn. Người dùng Internet phải biết những thông tin riêng tư nào được thu thập, họ được quyền phản đối việc chia sẻ sử dụng những thông tin này. Facebook phải cam kết không chia sẻ thông tin riêng tư và bảo mật thông tin riêng tư của người sử dụng.
Chính phủ các nước cũng yêu cầu, các cam kết giữa người dùng và Facebook phải được thể hiện trong các văn bản sử dụng ngôn ngữ thông thường, thuận tiện cho người dùng, không phải những văn bản có tính pháp lý cao.
Các thực thể, các tổ chức được cung cấp thông tin riêng tư phải cam kết không tiết lộ thông tin riêng tư này, hoặc chỉ được thu thập cho các thiết bị riêng biệt. Ví dụ đồng hồ thông minh thì chỉ thu thập thông tin cho đồng hồ đó thôi, không được chia sẻ cho các thiết bị khác. Các thông tin về cảm xúc cá nhân hay sức khỏe được giám sát bởi các thiết bị chuyên dụng. Các nhà cung cấp mạng xã hội phải xây dựng các công cụ giám sát, quản lý, xây dựng mô hình kinh doanh tập trung vào các dữ liệu này.
Sếp Tik Tok: Khó nhất là nhận thức của người dùng
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách của mạng chia sẻ video Tik Tok cho rằng, khó khăn nhất mà các nền tảng mạng xã hội đang đối mặt là nhận thức của người sử dụng. Chính phủ và các nền tảng đang đi trước người sử dụng rất xa về việc bảo vệ thông tin người dùng. Chính phủ các nước có các điều luật về bảo vệ thông tin người dùng, các nền tảng có các quy định điều khoản sử dụng được địa phương hóa. Tik Tok biết được khó khăn này, nên khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam thì đầu tiên là nội địa hóa tất cả điều kiện sử dụng và quy tắc cộng đồng phù hợp với điều luật và đạo đức của người Việt Nam. Có những hành vi người dùng mạng xã hội có khi không vi phạm pháp luật nhưng lại vi phạm các chuẩn mực đạo đức.Vì thế Tik Tok đã thành lập Hội đồng an toàn Tik Tok để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên mạng, mời các chuyên gia về nội dung số thường xuyên ngồi lại với nhau để xem xét có cần thay đổi gì về chính sách, để các công cụ bảo vệ đến được với người dùng.
Nhưng ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng, cái khó nhất là người dùng không biết mình có quyền riêng tư. Tik Tok đã phải truyền thông tới người dùng bằng cách tạo ra video cảnh báo cho người dùng rằng quyền riêng tư rất quan trọng, để khi thấy người dùng quyền riêng tư của mình hay của bạn bè bị vi phạm thì biết cách báo cáo thế nào, các video này được truyền thông rộng rãi ra cộng đồng.
“Nhà nước đã sẵn sàng về khung pháp luật, các nền tảng cũng sẵn sàng về mặt chính sách sử dụng, nhưng cái chính là cần đào tạo người dùng biết về cách bảo vệ quyền riêng tư của chính họ”, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết.
Còn bà Malavika Jayaram, Quản lý chính sách Trung tâm kỹ thuật số châu Á lại có ý kiến rằng: “Không nên đổ hết lỗi cho người dùng rằng bạn phải học cách dùng, cách bảo vệ quyền riêng tư của bạn, mà các nền tảng phải tận dụng kỹ năng và công nghệ, như đưa đạo đức trí tuệ nhân tạo chẳng hạn. Trong khu vực và trên toàn thế giới vừa qua xuất hiện những scandal gây nguy hiểm cho người dùng mạng xã hội, nên nhất định phải có những cách hữu hiệu để bảo vệ được tính riêng tư và thông tin riêng tư trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu phải thực hiện quá nhiều quy định sẽ kìm hãm sự đổi mới sáng tạo của người dùng mạng xã hội. Do đó, tất cả phải làm song hành với nhau, cả việc xây dựng các điều luật và chuẩn mực đạo đức, các điều luật cần được Chính phủ xây dựng trước, sau đó các tổ chức xã hội dựa vào đó có các quy tắc đạo đức sau.