Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, sau một thời gian theo dõi và rà soát, các cơ quan chức năng cho biết, Facebook hiện đang có rất nhiều sai phạm tại Việt Nam.
Các sai phạm này bao gồm rất nhiều hành vi vi phạm khác nhau. Tuy nhiên, nó chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực lớn là quản lý nội dung thông tin, vi phạm các quy định về quảng cáo, bên cạnh đó là những vấn đề về thuế đối với các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới.
Facebook nói gì về những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam?
Khi Pv. VietNamNet liên hệ với mạng xã hội này, đại diện của Facebook tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có một quy trình rõ ràng cho các chính phủ để báo cáo những nội dung bất hợp pháp, và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu này dựa trên những điều khoản dịch vụ của chúng tôi và các luật tương ứng”.
Trước những cáo buộc của cơ quan chức năng về sự thiếu hợp tác, Facebook đã lấy bản Báo cáo minh bạch mới nhất của mình làm căn cứ và cho biết mạng xã hội này đang thực hiện việc tuân thủ pháp luật địa phương.
Theo Báo cáo minh bạch của Facebook, trong 6 tháng đầu năm 2018, mạng xã hội này đã hạn chế quyền truy cập vào một số nội dung liên quan đến việc bán các sản phẩm trái pháp luật, buôn bán động vật hoang dã, những nội dung cáo buộc mạo danh bất hợp pháp một cá nhân để phát tán thông tin sai lệch.
Số liệu trong Báo cáo minh bạch của Facebook cho thấy mạng xã hội này đã gỡ bỏ 265 bài viết vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 1 - tháng 6/2018. |
“Chúng tôi cũng đã hạn chế những nội dung liên quan đến hành vi nói xấu các sản phẩm của Heineken và Nestlé theo cáo buộc của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử”, đại diện Facebook tại Việt Nam nói.
Báo cáo minh bạch của Facebook cũng chỉ ra rằng, mạng xã hội này đã thực hiện việc gỡ bỏ 22 nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.
Mặc dù vậy, trước những câu hỏi của Pv. VietNamNet về nghĩa vụ thuế cũng như lý do vì sao những sản phẩm bị tất cả các quốc gia nghiêm cấm như tiền giả lại xuất hiện và rao bán một cách công khai trên Facebook, đại diện mạng xã hội này đã không đưa ra được câu trả lời.
Facebook cũng không có câu trả lời rõ ràng về thời điểm mở văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.
Facebook đang chống chế trước các hành vi vi phạm pháp luật
Khi làm việc về vấn đề kiểm soát thông tin vi phạm pháp luật, Facebook cho biết sẵn sàng ngăn chặn trong trường hợp nhận được thông báo của cơ quan quản lý Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện các lực lượng chức năng, cách làm của Facebook là rất thiếu trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, khi cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu bóc gỡ tin bài và tài khoản vi phạm, Facebook mất rất nhiều thời gian để đáp ứng.
Rất nhiều tài khoản nói xấu Nhà nước, nói xấu chế độ đã được cơ quan chức năng Việt nam thông báo với Facebook, tuy nhiên số lượng những bài này được gỡ bỏ còn rất hạn chế. Không chỉ vậy, nhiều bài viết trong số đó chỉ được gỡ sau khi đã được đăng tải với thời gian lên tới 1 năm. Theo cơ quan chức năng, đây là một hành động chống chế của Facebook bởi việc gỡ bỏ thông tin khi đó đã không còn giá trị.
Ngoài ra, các buổi tiếp xúc giữa Facebook và đại diện cơ quan quản lý Việt Nam thường là các cuộc gặp gỡ hội đàm, trao đổi thông tin. Phía Facebook luôn bày tỏ quan điểm cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhưng quá trình hợp tác luôn rất chậm và thường không thể tiến tới việc ký kết thoả thuận. Lý do của điều này là bởi Facebook luôn đưa các tiêu chuẩn cộng đồng của mình ra để biện hộ, dù chính sách này vi phạm quy định pháp luật của nhiều quốc gia. Trong quá trình làm việc, do không có quy định nào về thời gian giải quyết khiếu nại, có những trường hợp thời gian giải quyết kéo dài rất lâu, gây cảm giác Facebook cố tình trì hoãn nhằm mục đích câu giờ.
Facebook đang đứng trước nhiều cáo buộc của cơ quan chức năng về những hành vi sai phạm trong hoạt động tại thị trường Việt Nam. |
Đại diện phía cơ quan chức năng cũng cho rằng, Facebook đang cố tình gây sức ép đối với Việt Nam bằng việc thường xuyên tác động tới các phái đoàn ngoại giao nhằm nâng vấn đề, cho rằng Việt Nam không tuân thủ việc thương mại tự do xuyên biên giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), Facebook đang né tránh việc thành lập văn phòng đại diện để có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.
Người đứng đầu Cục PTTH&TTĐT cho rằng, không có lý gì một doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam, kiếm hàng trăm triệu USD ở Việt Nam mà lại không có ý định tuân thủ pháp luật.
Facebook không nộp thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp,... Thế nhưng trong thời gian đó, các khoản tiền mà người sử dụng quảng cáo thanh toán cho Facebook vẫn đi qua các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, việc Facebook bán quảng cáo không phải là hoạt động thương mại điện tử mà là hành vi một cá nhân, tổ chức hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Luật pháp Việt Nam không cho phép một công ty như Facebook bán quảng cáo trực tiếp mà không thông qua các cơ quan đại diện tại Việt Nam. Mạng xã hội này đang giết các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam do sự bất bình đẳng, ông Lâm nói.
Trọng Đạt