Sẵn sàng chi tới hàng tỷ USD để mua về bản quyền phát sóng trực tiếp các giải đấu thể thao đỉnh cao trên nền tảng của mình, có thể thấy Facebook đang muốn lấn sân truyền hình.

Thương vụ FacebookFB (NASDAQ) chi 200 triệu Bảng, tương đương khoảng 264 triệu USD để thâu tóm bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh 3 mùa bóng liên tiếp từ mùa 2019-2020 tại 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào đã khiến ngành truyền hình khu vực cảm thấy sức nóng cạnh tranh từ gã khổng lồ mạng xã hội.

Đây là chuyện rất mới trong khu vực, nhưng lại không phải là lần đầu Facebook chi đậm để mua bản quyền phát sóng trực tiếp các giải đấu thể thao, cạnh tranh trực tiếp với các đài truyền hình truyền thống.

Sẵn sàng chi 600 triệu USD cho giải cricket Ấn Độ

Khác với phần còn lại của thế giới, tại Ấn Độ, cricket mới là môn thể thao vua và tất nhiên giải Ngoại hạng cricket Ấn Độ (IPL) là giải đấu thể thao đắt giá nhất tại thị trường này.

{keywords}
Facebook từng sẵn sàng chi 600 triệu USD cho bản quyền giải cricket hàng đầu Ấn Độ . Ảnh: AP.

IPL ra đời từ năm 2008 và hiện có khoảng hơn 1 tỷ khán giả toàn cầu, trong đó phần lớn đến từ Ấn Độ, quốc gia mà cricket là môn thể thao phổ biến nhất. Giải đấu có sự hiện diện về tài chính của người giàu nhất Ấn Độ cũng như nhiều ngôi sao điện ảnh nước này.

Với một thị trường mạng xã hội phát triển nóng như Ấn Độ, Facebook cần thêm "vũ khí" để cạnh tranh cũng như cần thêm nội dung chất lượng để tạo doanh thu, và bản quyền những giải đấu như IPL là điều Facebook rất cần.

Bằng chứng là hãng sẵn sàng chi 600 triệu USD để tham gia đấu giá bản quyền phát sóng 5 năm liên tiếp từ năm 2018 của giải đấu hấp dẫn này. IPL sẽ giúp Facebook lôi kéo được thêm người dùng tại Ấn Độ, giúp hãng tăng trưởng thời lượng sử dụng Facebook của người dùng tại thị trường này và đẩy mạnh Facebook Watch, mảng truyền phát video mà Facebook tham vọng sẽ cạnh tranh được với Youtube của Google.

Doanh thu mà Facebook nhắm tới chính là doanh thu lôi kéo các nhà quảng cáo từ các nền tảng truyền hình truyền thống nếu hãng thâu tóm thành công bản quyền của IPL.

Tuy nhiên, dự định của Facebook đã phá sản khi kênh Star India trực thuộc Twenty-First Century Fox đã giành được bản quyền với mức giá kỷ lục 2,55 tỷ USD cho cả bản quyền phát sóng truyền hình truyền thống và phát sóng trực tuyến.

"Giá thầu của Facebook vẫn rất đáng kể bởi đó là một mức giá lớn trong một thị trường vẫn còn non trẻ", nhà phân tích Brian Wieser của Pivotal cho hay. "Nó chỉ rõ rằng Facebook dự định trở thành một ông lớn trong lĩnh vực truyền phát video".

Thất bại trước Star India chắc chắn không làm chùn bước tham vọng này của Facebook khi hãng tiếp tục vung tiền mua bản quyền các giải đấu thể thao khác trên thế giới.

Muốn trở thành ông lớn phát thể thao trực tiếp

Với núi tiền mặt khoảng 6 tỷ USD, Facebook chắc chắn có nguồn lực dồi dào hơn các đài truyền hình truyền thống đơn lẻ và đây là lợi thế không nhỏ mỗi khi hãng muốn tranh giành bản quyền ở một thị trường nhất định nhằm lôi kéo người xem, mở rộng đế chế mạng xã hội vốn đã hùng hậu của mình.

{keywords}
Không chỉ Ngoại hạng Anh, rất nhiều giải đấu thể thao lớn trên thế giới đang nằm trong kế hoạch bành trướng của Facebook.

Facebook bắt đầu truyền phát trực tiếp các sự kiện thể thao khoảng 2 năm trở lại đây, bắt đầu từ trận cầu từ thiện giữa Manchester United và Everton diễn ra vào đầu tháng 8/2016. Kể từ thời điểm đó, hãng đã vung tiền mua bản quyền các giải đấu từ bóng đá tới bóng rổ, bóng chày và cả những môn thể thao khác.

Năm 2017, Facebook thâu tóm thành công bản quyền 20 trận đấu trong khuôn khổ giải bóng chày hàng đầu nước Mỹ Major League Baseball (MLB). Các trận đấu được phát miễn phí tới toàn bộ người dùng Facebook trong lãnh thổ nước Mỹ. Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ.

Tới năm 2018, Facebook tiếp tục có bản quyền độc quyền 25 trận đấu của MLB 2018 với cái giá được giới chuyên môn dự đoán ở mức 30-35 triệu USD

Bình luận về thương vụ này, ông Lee Berke một chuyên gia truyền thông tại Mỹ cho rằng "tương tự như khi các nội dung thể thao trên truyền hình truyền thống chuyển dịch sang truyền hình cáp, chúng ta đang thấy xu hướng tương tự... Đây là một bước nhảy vọt lớn tiếp theo".

Facebook cũng từng bắt tay với Fox để có bản quyền phát sóng UEFA Champion League (Cúp C1) trên lãnh thổ nước Mỹ. Hãng cũng tự đàm phán với UEFA để có bản quyền phát sóng 32 trận đấu của giải đấu này tại các nước Mỹ Latin trong 3 mùa liên tiếp từ mùa 2018 tới mùa 2021.

Gã khổng lồ mạng xã hội cũng tham gia đấu giá bản quyền 10 trận đấu thuộc giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ National Football League 2017, tuy nhiên sau đó hãng đã để thua trước Amazon khi ông lớn bán lẻ trực tuyến này đưa ra cái giá 10 triệu USD, cao gấp 5 lần mức giá mà Twitter, một mạng xã hội lớn khác, mua được năm 2016.

Rõ ràng 200 triệu Bảng cho bản quyền Ngoại hạng Anh trong 3 năm chỉ là một nước cờ trong cuộc chơi truyền hình đầy tham vọng của Facebook.

Theo Zing

Thế lực nào sẽ nuốt gọn miếng bánh 'bản quyền phát sóng' của truyền hình?

Thế lực nào sẽ nuốt gọn miếng bánh 'bản quyền phát sóng' của truyền hình?

Một thế lực của các "gã khổng lồ" sẽ nắm giữ bản quyền phát sóng các chương trình thể thao, vốn là "miếng bánh" độc quyền của các nhà đài từ trước tới nay.

EU yêu cầu Facebook, Google trả tiền bản quyền

EU yêu cầu Facebook, Google trả tiền bản quyền

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu để buộc Google, Facebook và các công ty công nghệ khác phải trả tiền bản quyền cho các cơ quan truyền thông châu Âu, các nhà xuất bản và những người sáng tạo ra nội dung khác.