Theo tờ báo Mỹ, ba dịch vụ Messenger, Instagram và WhatsApp vẫn là ba ứng dụng riêng biệt nhưng cơ sở hạ tầng phía sau lại là một. Dù chỉ thay đổi nhỏ trên bề mặt, quyết định của Facebook có thể tác động đến hàng tỷ người dùng. Chẳng hạn, nó cho phép công ty xây dựng một trang cá nhân người dùng duy nhất từ các ứng dụng khác nhau để quảng cáo mục tiêu tốt hơn. Các ứng dụng cũng được mã hóa đầu cuối để ngăn tin nhắn bị người thứ ba đọc được.
Facebook ước tính tổng cộng 2,6 tỷ người dùng đang dùng Facebook, WhatsApp, Instagram hay Messenger mỗi tháng. Ngoài ra, mỗi ngày hơn 2 tỷ người sử dụng ít nhất một trong các ứng dụng do Facebook sở hữu.
Debra Aho Williamson, nhà phân tích của hãng nghiên cứu eMarketer, cho rằng dữ liệu có xu hướng được chia sẻ giữa các ứng dụng như hệ quả của kế hoạch nói trên. Nó giúp Facebook theo dõi hành động của người dùng trên các nền tảng của mình cũng như quảng cáo mục tiêu dễ dàng hơn. Với người dùng, chia sẻ dữ liệu đồng nghĩa với thông tin về hoạt động của họ trên WhatsApp sẽ liên kết với những gì họ làm trên Facebook, Instagram hay Messenger.
Sau khi được Facebook mua lại, WhatsApp và Instagram vẫn hoạt động tương đối độc lập. Tuy nhiên, cả hai nền tảng ngày càng trở nên quan trọng với công ty khi mà Facebook gặp khó khăn với tin giả mạo, can thiệp bầu cử từ nước ngoài và bê bối quyền riêng tư. Facebook thôn tính WhatsApp năm 2014 và CEO kiêm đồng sáng lập Jan Koum đã rời đi tháng 5/2018. Ông được đồn từ chức sau khi bất đồng với Facebook về cách tiếp cận mã hóa và dữ liệu cá nhân.
Tháng 10/2018, hai đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom và Mike Krieger cũng ra đi sau khi được đồn xung đột với CEO Facebook Mark Zuckerberg về hướng đi của ứng dụng chia sẻ ảnh. Instagram được Facebook mua lại năm 2012.
Jessica Liu, nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu Forrester, tin rằng trải nghiệm người dùng sẽ thay đổi không đáng kể và phần lớn người dùng sẽ không nhận ra.