Facebook, Twitter và nhiều mạng xã hội khác hiện đang xây dựng trang web dành cho máy tính của mình như một dịch vụ đa năng, nơi người dùng có thể làm mọi thứ từ duyệt qua các dòng trạng thái, chia sẻ tập tin đa phương tiện, chơi game cho đến nhắn tin. Tuy nhiên, khi mang lên thiết bị di động thì dịch vụ đa năng này không còn mang lại trải nghiệm tốt như trên máy tính: người dùng phải mất nhiều thao tác điều hướng, dễ bị rối và trên hết, màn hình nhỏ với không gian hạn hẹp của smartphone, tablet không cho phép bố trí nhiều tính năng một cách trực quan như trên web. Vậy là các công ty bắt đầu nghiên cứu cách tinh giảm app di động của mình cho phù hợp hơn.

Hồi tuần rồi, chúng ta được nghe thông tin rằng Facebook sẽ loại bỏ khả năng nhắn tin ra khỏi app của mình. Nếu người dùng muốn chat với bạn bè trên thiết bị di động, họ buộc phải cài thêm ứng dụngFacebook Messenger. Hiện thay đổi này đã bắt đầu áp dụng cho khu vực Châu Âu và sẽ sớm được công ty mang đến những khu vực khác.

Ở thời gian đầu, việc tháo bỏ tính năng nhắn tin khỏi app Facebook sẽ gặp phải sự chống đối của nhóm người dùng không chịu thay đổi (gọi là change resistant), hãng cũng sẽ bị chỉ trích vì để sử dụng một mạng xã hội mà người dùng buộc phải cài đến hai phần mềm khác nhau trên cùng một máy. Tuy nhiên, đây dường như lại là chọn lựa thông minh và an toàn nhất mà Facebook có thể làm để giúp cho dịch vụ của mình tiếp tục phát triển trên các thiết bị di động.

Bỏ bớt gánh nặng

Ứng dụng Facebook trên thiết bị di động hiện nay là một phần mềm khá lớn, bản cho Android có dung lượng khoảng 31MB tùy thiết bị, còn bản cho iOS là 62MB. So với dung lượng trung bình khoảng 5-10MB của các ứng dụng di động khác thì app Facebook rõ ràng là một "gã khổng lồ". Bằng cách loại bỏ tính năng nhắn tin, công ty sẽ khiến cho ứng dụng của mình nhỏ lại, đẩy nhanh tốc độ tải về khi người dùng cài đặt, chưa kể đến việc tiết kiệm tài nguyên hệ thống hơn bởi app đã bớt cồng kềnh.

Ngoài việc giúp tối ưu hóa mức độ tiêu thụ năng lượng, việc thu gọn kích cỡ còn giúp ứng dụng này chiếm ít không gian lưu trữ hơn, phù hợp để cài lên các thiết bị giá rẻ tại những thị trường mới nổi, nơi mà điện thoại phổ thông và smartphone tầm thấp - trung vẫn đang chiếm đa số. Để tiếp tục tăng trưởng, Facebook buộc phải tìm cách kiếm tiền từ thị trường này và hãng phải làm cho người dùng hài lòng khi cài app của mình thì mới đạt được mục tiêu.

Để đảm bảo người dùng không phải nhảy ra nhảy vào màn hình chính khi cần chuyển giữa hai ứng dụng với nhau, Facebook đã bổ sung thêm khả năng gọi ứng dụng Messenger khi bạn nhấn vào biểu tượng nhắn tin trong app chính, còn lúc đang ở Messenger thì chúng ta cũng có nút để quay ngược về Facebook chỉ với một lần chạm. Hiện mình đã thấy thay đổi này trên iOS, còn bên Android có lẽ phải đợi thêm một thời gian nữa.

Mở rộng tính năng

Bằng cách tách riêng trình nhắn tin ra khỏi app Facebook, công ty giờ đây có thêm chỗ để tích hợp những tính năng mới không chỉ vào Facebook mà còn vào Messenger nữa. Bản thân ứng dụng Messenger trên cả iOS và Android hiện đã cung cấp nhiều tính năng hấp dẫn hơn so với app Facebook gốc khi nói đến việc chat chit, ví dụ như giao diện hiện đại hơn, tốc độ hoạt động nhanh, hỗ trợ sticker tốt, xem trạng thái online một cách linh hoạt, tích hợp với số điện thoại người dùng và còn nhiều thứ nữa. Nói cách khác, Messenger phải là một nơi lý tưởng để nhắn tin trực tiếp giữa những người dùng với nhau.

Trong khi đó, Facebook có thể biến ứng dụng chính của mình thành một nơi để liên lạc với cả thế giới bạn bè, không chỉ giữa một số người với nhau. Chúng ta có thể thoải mái đăng tin lên News Feed, lên Timeline của bạn bè. Hơn thế nữa, Facebook sẽ có điều kiện để cải thiện những trải nghiệm này thay vì biến app trở thành một "trạm chung chuyển" có thể làm nhiều thứ nhưng lại không có thứ nào thật sự tốt khi được sử dụng trên thiết bị di động.

Đi xa hơn nữa

Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng không chỉ là cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn để Messenger thật sự trở thành một nền tảng nhắn tin thực thụ. Hãng muốn người dùng nghĩ về Messenger như một dịch vụ nhắn tin hoàn chỉnh, không phải là một phần của Facebook. Đó cũng là lý do mà giao diện của ứng dụng Messenger hiện nay rất khác biệt so với ứng dụng Facebook chính, ngay cả tông màu xanh dương cũng có độ đậm khác nhau, cách điều hướng giửa các tính năng trong app cũng chẳng giống nhau.

Đi xa hơn, chúng ta có thể nghĩ đến việc Facebook sẽ tích hợp tính năng của WhatsApp vào Messenger.Lúc kí kết thương vụ trị giá 19 tỉ USD này Facebook đã cam kết sẽ để cho WhatsApp tiếp tục hoạt động độc lập với mô hình hiện tại của công ty, nhưng điều đó không có nghĩa là Messenger sẽ không được phép tích hợp các công nghệ đã làm nên danh tiếng của WhatsApp. Những tính năng hay của WhatsApp như nhắn tin video, trao đổi số liên lạc, chia sẻ địa điểm hoàn toàn có thể trở thành một phần của Messenger.

Ngoài ra, nếu như Facebook có dự định gộp chung WhatsApp với Messenger trong dài hơn thì việc tách riêng Messenger cũng là một nước đi cực kì đúng đắn. Nó sẽ đảm bảo rằng người dùng không phải đối mặt với quá nhiều thay đổi cùng một lúc, về phía Facebook thì việc thiết kế, lập trình, quản trị chất lượng phần mềm/dịch vụ cũng trở nên dễ dàng hơn so với khi Messenger còn là một bộ phận của app Facebook chính.

Nói tóm lại, bằng cách đẩy riêng Messenger ra ngoài, Facebook đang thực hiện một nước cờ thông minh để đảm bảo cho tương lai của mình trên thị trường di động, đồng thời đặt ra một nền tảng vững chắc để tiếp tục cải tiến (và kết hợp) dịch vụ của mình. Thứ mà người dùng mất đi đó là sự tiện lợi khi thao tác trong chỉ một app duy nhất nhưng bù lại chúng ta có được trải nghiệm tốt hơn, chưa kể đến việc xuất hiện nhiều hơn những tính năng mới trong tương lai.