Hành trình đi tìm cá con Nemo trong Finding Nemo không chỉ đem lại Oscar cùng doanh thu khổng lồ (936 triệu USD) cho xưởng hoạt hình Pixar mà còn góp phần định hình phong cách đặc trưng của hãng. Tác phẩm truyền tải câu chuyện tươi sáng, hài hước, chan chứa cảm xúc và ý nghĩa với đồ họa đẹp, công nghệ làm phim tiên tiến, âm nhạc hòa quyện trong từng phân cảnh. 13 năm sau, phần phim nối tiếp mang tên Finding Dory chinh phục khán giả nhờ gìn giữ nguyên vẹn các giá trị đó.

Một năm sau cuộc tìm kiếm Nemo, cô cá xanh đãng trí Dory về sống cùng bố con cá hề Marlin và Nemo ở rìa san hô. Vẫn lạc quan và hay quên như ngày nào nhưng nhiều lần, Dory mơ thấy gia đình khi còn nhỏ. Mỗi lần ký ức vụt sáng, Dory lại thêm kiên quyết với việc đi tìm cha mẹ ở phía bên kia đại dương. Marlin và Nemo tiếp tục là những người bạn đồng hành đáng tin cậy nhờ sự am hiểu đại dương và đồng cảm với chứng mất trí nhớ ngắn hạn của Dory. Bộ ba lên đường tới Viện Hải dương học – nơi được cho là nhà của Dory lúc nhỏ.

Poster phim “Đi tìm Dory”.

Chuyến đi gặp khó khăn ngay từ đầu, chủ yếu do Dory chốc chốc lại quên mất mình đang đi đâu, làm gì. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các sinh vật dưới đại dương, họ tới được bờ bên kia. Tuy nhiên, một biến cố xảy đến khiến Dory bị tách khỏi hai người bạn đồng hành, lọt vào Viện Hải dương học một mình và bắt đầu phải tự xoay sở. Tại đây, cô gặp những người bạn mới mà ai cũng có một khiếm khuyết nào đó: bạch tuộc Hank giỏi ngụy trang nhưng bị mất một chiếc xúc tu, cá voi Destiny cận thị, cá heo mũi hếch Bailey hỏng ra-đa sinh học. Dory thuyết phục họ giúp mình tìm đường về nhà.

Cách kể chuyện trong Finding Dory tương tự Finding Nemo nhưng do phản chiếu qua góc nhìn của một nhân vật mất trí nhớ ngắn hạn nên cách chinh phục hành trình có phần sáng tạo hơn. Khán giả sẽ thích thú khi thấy cô cá thường xuyên lạc đường tìm được lối ra trong hệ thống ống ngầm nối giữa các phân khu của Viện hải dương học, hay các sinh vật biển hợp tác giải cứu Marlin và Nemo trên một… chiếc xe tải đang chạy xuyên thành phố.

Nhân vật chính chỉ có thể tỏa sáng khi đặt trong tình huống cùng nhiều nhân vật khác nên những người bạn Dory gặp trên đường cũng ghi điểm mạnh mẽ trong mắt khán giả. Gây ấn tượng đặc biệt là bạch tuộc Hank – một sinh vật “già đời”, ranh ma – được cảm hóa bởi sự lạc quan và chân thành của Dory nên giúp đỡ cô tới tận cuối hành trình.

Dory bên chú bạch tuộc Hank.

Các nhà làm phim chia sẻ họ gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng kịch bản vì không ai muốn Dory trở thành nhân vật ngu ngốc và bị cười nhạo. Ngược lại, những gì Dory trải qua phải là sự đấu tranh với chính bản thân nhằm vượt lên khuyết điểm cố hữu.

Tinh thần vui vẻ, lạc quan vốn là “vũ khí bí mật” của Dory, cộng thêm phương châm sống với đúng giây phút hiện tại (vì phút sau có thể quên hết), Dory ghi dấu với bạn bè bởi cách giải quyết vấn đề đặc trưng: tận dụng mọi thứ trước mắt. Nếu khán giả nhớ tới Dory trong Finding Nemo với khẩu hiệu “cứ bơi đi”, thì trong bộ phim riêng về cô nàng, bài học đáng giá nằm ở “cách của Dory” và tinh thần không bỏ cuộc vì “luôn luôn có một con đường khác”.

Tuy là cuộc hành trình tìm về gia đình, bộ phim được đặt tên là Đi Tìm Dory. Nhờ chuyến phiêu lưu sang bờ bên kia đại dương, Dory tìm được giá trị của bản thân mình. Trước đây, cô nàng thường xuyên mở đầu cuộc hội thoại với câu “Tôi xin lỗi” vì cho rằng mọi chuyện đều do mình nhớ nhớ quên quên mà ra. Nhưng sau chuyến đi này, Dory nhận thấy mình không hề tệ đến thế và có những việc chỉ Dory vô tư và hay quên mới làm được.

Bên cạnh đó, những ký ức tươi đẹp về bố mẹ Dory còn cho thấy một tinh thần gia đình rất đáng học hỏi: không khiển trách con cái, biết chấp nhận những sai sót cố hữu để khích lệ con tiến lên phía trước. Những bài học đầy nhẫn nại và tình yêu thương vô bờ mà cá bố, cá mẹ dành cho Dory là ngọn đèn soi đường cho cô nàng tìm về bên gia đình. Phải là Dory tìm về gia đình chứ không phải gia đình đi tìm Dory. Nhiều chi tiết nhỏ tinh tế có thể khiến khán giả phải thổn thức, như chi tiết bố mẹ Dory vác về một nắm vỏ sò, kiên trì rải quanh căn nhà ở vùng nước đục làm dấu cho con, hay như khi Nemo bất chợt hỏi bố: “Có phải chúng ta sẽ xa Dory mãi mãi không?”.

Đồ họa và kỹ xảo của bộ phim tiếp tục là điểm cộng lớn. Tuy bối cảnh đại dương đã quen thuộc với khán giả từ phần phim trước, khi trở lại trong Finding Dory, các nhà làm phim ứng dụng các cách làm mới để thế giới ấy sống động và rực rỡ hơn. Riêng nhân vật bạch tuộc Hank, Pixar thừa nhận đó là “nhân vật khó nhất từng được tạo ra” bởi sự kết hợp giữa hoạt hình, vẽ tay và công nghệ hình ảnh máy tính. Một phân đoạn Hank giải cứu Dory trong Viện hải dương học mất tới sáu tháng mới hoàn thành.

Tiếp tục sử dụng những bản nhạc Jazz mang âm hưởng cổ điển làm nền, Finding Dory gợi nhớ một không khí hoài niệm nhưng không buồn bã. Mở màn là ca khúc Beyond The Sea của Robbie Williams – từng là giai điệu chính của Finding Nemo năm 2003 – đồng thời gợi mở còn điều gì đó đang chờ bên ngoài cuộc sống đại dương yên ả. Phân đoạn tháo mở nút thắt diễn ra trên nền nhạc What a Wonderful World của Louis Amstrong, rồi bộ phim khép lại trong những lời ca dịu ngọt của Unforgettable do Nat King Cole thể hiện. Một số nhịp điệu nhạc điện tử hiện đại cũng được khéo léo lồng ghép trong mỗi trường đoạn phiêu lưu.

Một hành trình đáng nhớ mà Dory chắc sẽ lại quên nhưng khán giả – những ai từng yêu quý Finding Nemo hoặc lần đầu biết tới Dory – thì còn nhớ mãi. Bộ phim là chuyến phiêu lưu trọn vẹn về cảm xúc, có vui, có hồi hộp, có xúc động, đồng thời là những bài học cuộc sống giản dị sẽ còn được nhắc lại sau này.

Finding Dory khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 17/6.

 

Kaito