Thời điểm này năm ngoái, giới công nghệ đang xáo động vì một phân khúc điện thoại mới, được gọi là “flagship 400 USD”. Năm 2016, hàng loạt công ty mới thành lập trình làng những thiết bị có giá giảm kịch liệt nhưng lại trang bị phần cứng cao cấp với giá lý tưởng: 400 USD. Trong khi đó, những thương hiệu mạnh đang bán sản phẩm tương tự với giá từ 600 USD. Nó dường như đã chấm hết thời kỳ của điện thoại tốt giá cao.

Một năm sau, ít người nói về các “flagship 400 USD” này. Điều gì đã xảy ra, tại sao một phân khúc bùng nổ năm 2016 lại chìm lắng chỉ sau thời gian ngắn như vậy?

Ý tưởng bắt đầu từ đâu?

Xu hướng “flagship 400 USD” có vẻ đã bắt đầu từ Nexus 4 năm 2012. Google phát hành một smartphone đẳng cấp với giá chỉ 300 USD, rẻ hơn nhiều so với Galaxy và iPhone. Tiếp đến là Nexus 5 và Nexus 5X đã trở thành biểu tượng nhờ hỗ trợ phần mềm tuyệt vời và giá hời. Nexus 6 và Google Pixel chấm hết điện thoại tốt giá rẻ của Google sau khi công ty nhận ra mình cần có lợi nhuận.

Song, các công ty Trung Quốc đã lấp đầy chỗ trống mà Google để lại, đi đầu là OnePlus. Công ty tăng trưởng nhanh như nấm sau mưa nhờ bán thiết bị giá siêu hấp dẫn: OnePlus One năm 2014 chỉ có 300 USD nhưng cấu hình cao cấp. Họ không cần đến ngân sách tiếp thị khủng mà chính mức giá ấn tượng đã đủ để nhiều người nói về nó. OnePlus 2 ra đời với giá 330 USD, rồi đến OnePlus 3 giá 400 USD với thiết kế được hoàn thiện, xứng đáng với danh hiệu “kẻ hủy diệt 400 USD”.

Năm 2016, những người chơi khác bắt đầu đi theo xu hướng khi ra mắt nhiều điện thoại tốt cùng tầm giá 400 USD, chẳng hạn ZTE Axon 7, Huawei Honor 8. Trong lúc này, Xiaomi kiên trì giới thiệu điện thoại thiết kế đẹp, cấu hình tốt, dưới 400 USD tại Trung Quốc và Ấn Độ. Một gã khổng lồ khác từ Trung Quốc là LeEco lại tiến vào thị trường Mỹ với những sản phẩm tương tự.

Các startup như Nextbit với điện thoại Robin hi vọng chớp lấy cơ hội nhờ thiết kế khác biệt và mô hình lưu trữ đám mây. Motorola ra Moto X Pure 400 USD. Ngay cả Apple cũng nhận thấy xu hướng và tung ra iPhone SE 400 USD, chiếc iPhone rẻ nhất lịch sử.

Nhưng mọi chuyện đột ngột dừng lại.

Rớt xuống từ tầng mây thứ 9…

Năm 2017 đã đi được nửa đường, danh mục flagship 400 USD không còn nữa. Lá cờ đầu OnePlus tiếp tục tăng giá sản phẩm và OnePlus 5, mẫu điện thoại duy nhất đang bán, có giá bán lẻ 480 USD. Dù vẫn hợp lý so với giá trị mang lại, nó không thể được gọi là flagship 400 USD nữa. Tệ hơn, OnePlus 2 còn không nhận được nâng cấp lên Android 7.0 như đã hứa, khiến nhiều người dùng khó chịu.

ZTE chưa bao giờ ra mắt sản phẩm kế nhiệm Axon 7, Honor 8 đang “già” đi và iPhone SE cũng không được cập nhật gì đáng kể ngoài bộ nhớ. Nextbit Robin đã “qua dời”. Chỉ vài tháng sau màn xuất quân hoành tráng, LeEco phải đóng cửa và hiện đối mặt với nhiều rắc rối tài chính.

Pixel của Google có giá đắt ngang iPhone. Dù Xiaomi vẫn bán điện thoại giá hợp lý tại châu Á, hệ điều hành hãng sử dụng lại quá nhiều quảng cáo và pop-up làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.

Tóm lại, hiện thực trần trụi của giới kinh doanh đã định đoạt tất cả. Thế giới lý tưởng của những công ty “không bao giờ thỏa hiệp” đã sụp đổ. Dù vẫn còn nhiều điện thoại tốt được bán với giá phải chăng, chúng không còn sở hữu phần cứng, camera hay tính năng của một flagship thực sự. Cơn sốt flagship 400 USD quả thật tuyệt vời nhưng mọi chuyện đã qua.