- Trong thời buổi internet, có lẽ chỉ có những siêu nhân mới có thể làm được điều này: bảo vệ người khác khỏi sự tò mò, tọc mạch.

Truyền thông, dư luận: áp lực chết người

Chạy trốn truyền thông và áp lực xã hội không phải là thứ chỉ riêng Nguyễn Hà Đông đang làm. Đó là một làn sóng, một sự lựa chọn, một dạng phản ứng tâm lý đang lan rộng. Nó đã xảy ra với những người nổi tiếng trên thế giới và manh nha hiện tại ở Việt Nam, nhất là khi truyền thông bùng nổ, tiếp đến là "nạn" paparazzi hoành hành. Và sự xuất hiện của mạng xã hội càng làm cho nồi nước nóng thêm sôi sục, sẵn sàng "nồi da nấu thịt" những người nổi tiếng. 

{keywords}

Đây là cái gọi là tin tức?! 


Ngay cả những người thụ động nhất trong chuỗi đưa tin cũng không tránh khỏi sự ồn ã của cuộc chơi. Thực tế, không ít người đã dừng đọc báo và khóa tài khoản Facebook vì không chịu nổi những luồng âm thanh đang đan chéo. Trong kỉ nguyên thông tin, chúng ta nghe thấy quá nhiều tiếng nói, đến mức sẽ không thể lắng nghe tiếng nói của chính mình.

Dường như mọi người đang tham gia quá nhiều vào cuộc sống của những người khác nhân danh những mối quan tâm. Đám đông, dư luận và những người săn tin làm thành một bộ ba quyền lực. Nguyễn Hà Đông đang ở đúng cái tâm điểm đó, với báo chí trong nước và quốc tế, các luồng dư luận đầy hỗn loạn, và đỉnh điểm là sự mỉa mai, nghi ngờ, xoi mói, các thông tin về việc đòi hỏi trách nhiệm tài chính... Chưa có hành động mang tính pháp lý hay hành chính nào thực sự diễn ra, nhưng âm thanh và lời bàn tán đã ra vào ngồn ngộn. Thật khó có thể kiểm soát được tâm lý và chính cuộc sống của mình trong bối cảnh như vậy. 

Năm 1997, sau cái chết của công nương Diana, người ta đã lên tiếng mạnh mẽ về nạn paparazzi. Sau khi có người suýt tự tử vì trở thành trò lố trên truyền hình thực tế (năm 2010, tờ The Guardian đưa tin về người chơi Alyn James), những người lý trí cũng lên tiếng phản đối dạng gameshow này. Nhưng từ đó đến nay chưa có gì thay đổi. Paparazzi vẫn tiếp tục, truyền hình thực tế vẫn chiếu ầm ầm, tin tức về các cá nhân vẫn được chú ý nhiều hơn thông tin về sản phẩm họ làm ra. 

{keywords}

Một trong những nạn nhân nổi tiếng.


{keywords}

Cha đẻ Flappy Bird nói rằng thành công đã xáo trộn cuộc sống bình yên của anh.


Sự chú ý cao độ luôn luôn nhắm vào các cá nhân cụ thể. Có lẽ chỉ có những siêu nhân hoặc những người đã từng trui rèn kĩ lưỡng mới có thể làm được điều này: bảo vệ người khác khỏi sự tò mò, tọc mạch của chính mình. 

Bởi thế, chừng nào hành lang pháp lý còn chưa được xây dựng để bảo vệ sự riêng tư, thì chừng đó cơn đói của công chúng và sự lan truyền dễ dàng của thông tin vẫn còn là ám ảnh cho những người "trót" nổi tiếng. 

Học cách tự bảo vệ

Mới đây, khi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra tập thơ "Chấm", chị chỉ dành một khoảng thời gian nhất định cho việc phỏng vấn báo chí, rồi sau đó dừng hẳn việc tiếp xúc với truyền thông. Chị từng nói, sản phẩm có đời sống riêng của nó. Cảm nhận về tác phẩm của chị, độc giả có thể cứ đoán định mơ hồ bởi mỗi người có một cách cảm riêng. Ngọc Tư đã thả đứa con tinh thần của mình vào đời sống xã hội và để nó tự sống sót, sinh tồn. Đó là một cách ứng xử thông minh của một người sáng tạo.

Cuộc sống sẽ vận hành một cách đơn giản hơn nếu người tiêu dùng chú trọng đến việc tiếp cận với sản phẩm, tìm hiểu chi tiết về công năng của sản phẩm hơn là tò mò về người sinh ra nó. Ngược lại, các tác giả cũng nên biết cách tự tách mình ra khỏi sản phẩm, để cho nó tồn tại một cách độc lập và có đời sống riêng. Người sáng tạo ban đầu chỉ nên quan sát và tham gia khi có những vấn đề nảy sinh thực sự (những hệ quả với người sử dụng, các vấn đề pháp lý...). Việc tách bạch được về mặt tinh thần như thế sẽ khiến anh ta có thể bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân mình. 

Thực tế, cha đẻ của Flappy Bird đã cố gắng cư xử đầy trách nhiệm với những người chơi game của anh. Trong thời kì đầu của Flappy, anh trò chuyện với người chơi trên Twitter và thân thiện trả lời hết các phản hồi. Khi Flappy bắt đầu có hiện tượng gây nghiện, Đông chủ động kêu gọi họ giảm thời lượng. "Chơi vậy là quá nhiều đó. Hãy để cho chính bạn và trò chơi một khoảng thời gian nghỉ ngơi". Nhưng từ điểm bùng phát, cơn đói của đám đông lẫn truyền thông trở nên vô tận, Đông đã quyết định dừng bước, tháo game. Đó không chỉ là một quyết định thông minh, mà còn là một quyết định mang tính nhân bản.

{keywords}

Mô tả Sản phẩm là tuyên ngôn đủ của người sáng tạo.



Thêm phần kết

Nếu công chúng và những người đưa tin tỉnh táo hơn, chịu suy xét, họ sẽ biết rằng hệ lụy của sự tò mò vô ý và tự cho mình quá nhiều đặc quyền trong khi không thận trọng - đang tác động khủng khiếp lên xã hội, đời sống và văn hóa, làm chậm bước tiếp cận với nhiều điều tốt đẹp và làm nản lòng những người cống hiến. Chú chim vỗ cánh chỉ là một ví dụ gần. Thành công hiếm hoi của Việt Nam trên trường quốc tế đã bị khai tử, tạo cơ hội làm ăn cho những kẻ trục lợi. Nói nôm na là khai tử ở chính ngạch và tạo cơ hội buôn bán trên chợ đen.

Theo thông tin về việc thiết bị di động có cài Flappy Bird được bán đội giá, có thể thấy trong thời gian ngắn sắp tới, người tiêu dùng đương nhiên phải trả một khoản phí cao hơn nếu muốn sử dụng trò chơi này, thay vì lúc đầu Nguyễn Hà Đông đã muốn nó được chơi một cách vui vẻ và miễn phí. 


Hồ Hương Giang