Hệ thống bán lẻ FPT Shop vừa đưa vào hoạt động 3 trung tâm laptop và PC đầu tiên tại Hà Nội. Đây là những cửa hàng có không gian chuyên biệt, tập trung bày bán các sản phẩm như laptop, PC lắp ráp theo yêu cầu và các linh phụ kiện dùng cho máy tính (Mainboard, CPU, VGA, RAM, ổ cứng, vỏ case, tản nhiệt, màn hình, tai nghe, chuột, bàn phím,...).

Với bước ngoặt này, FPT Shop đã chính thức bước vào một mảng kinh doanh mới là các thiết bị phần cứng máy tính thay vì chỉ là chuỗi bán lẻ laptop và điện thoại di động đơn thuần.

{keywords}
FPT bất ngờ lấn sân sang mảng thị trường bán lẻ máy tính, linh kiện với việc đưa vào hoạt động 3 trung tâm laptop & PC tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Báo cáo 5 tháng đầu năm 2021 của GfK cho thấy, thị trường laptop gaming tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 217%, chiếm 20% doanh thu mảng laptop nói chung. Trong đó, FPT Shop hiện là chuỗi cửa hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đứng đầu thị trường bán lẻ laptop với 31% thị phần.

Việc lấn sân sang mảng lắp ráp PC và các linh phụ kiện là một động thái có tính toán của doanh nghiệp này nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Đây được xem là “con bài” chiến lược để FPT Shop tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bằng cách gia nhập vào một phân khúc thị trường hoàn toàn mới.

Trước đó, hồi năm 2017, công ty mẹ của hệ thống bán lẻ này là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng từng mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu nhằm chuyển hướng sang ngành hàng dược phẩm. 

{keywords}
Nhu cầu về máy tính và linh phụ kiện đang ngày càng tăng lên do thói quen học tập và làm việc online. (Ảnh: Trọng Đạt)

Tuy mới “chân ướt chân ráo” tham gia vào mảng thị trường máy tính, linh phụ kiện, đại diện chuỗi bán lẻ FPT Shop cho rằng, đơn vị này có những ưu thế nhất định nhờ sở hữu quy mô tiêu thụ đủ lớn, từ đó có thể thỏa thuận với đối tác để có được mức giá tốt nhất. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc khối Viễn thông Di động FPT Shop cho biết, theo ước tính của đơn vị này, quy mô thị trường PC Việt Nam hiện khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng. Đây là mảng thị trường không nhỏ với quy mô tương tương 30-40% thị trường laptop (khoảng 15.000 tỷ đồng). 

So với thời điểm trước đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ máy tính, laptop và các sản phẩm linh phụ kiện dùng cho máy tính tại Việt Nam đã tăng đột biến. Điều này có sự tác động không nhỏ bởi các chỉ thị về giãn cách xã hội, cùng với đó là thói quen làm việc, học tập online đang ngày càng phổ biến của người dùng. 

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Kha cho rằng, khi làm việc ở nhà, người dùng sẽ cần tới những chiếc máy tính có cấu hình cao hơn so với những chiếc laptop thông thường. Trong thời gian tới, nhiều người Việt sẽ nâng cấp máy tính để đáp ứng tốt hơn nhu cầu làm việc online của họ. Đó là lý do hệ thống bán lẻ này chuyển hướng sang mảng lắp ráp PC và bán các linh phụ kiện máy tính nhằm đi tắt đón đầu. 

Trọng Đạt

Máy tính cho giáo dục vào danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm

Máy tính cho giáo dục vào danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm

Trong danh mục mới được Bộ TT&TT ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022, máy tính trong giáo dục là 1 trong 16 sản phẩm, dòng sản phẩm CNTT trọng điểm.