Trao đổi với ICTnews tại cuộc gặp gỡ với báo giới chiều ngày 19/2/2014, Tổng Giám đốc Bùi Quang Ngọc nói: "Doanh nghiệp có nhiều cách để tăng trưởng như dùng nội lực của chính mình, hoặc mua những công ty khác để có thêm năng lực về công nghệ, dịch vụ, thị trường và khách hàng. Câu chuyện M&A trong lĩnh vực CNTT - viễn thông thời gian qua rõ hơn các ngành khác, thường xuyên có những thương vụ M&A được tiến hành bởi các "ông lớn". Chẳng hạn năm vừa rồi, Google dành 650 triệu USD mua 6 công ty về robot".

"FPT cũng có định hướng tiến hành M&A với những đối tác có công nghệ, dịch vụ hoặc thị trường mà chúng tôi chưa có hoặc đang có nhưng chưa đủ cho nhu cầu. Chủ yếu là hướng tới việc M&A các doanh nghiệp nước ngoài nhưng không loại trừ việc sẽ xem xét cả những công ty trong nước có công nghệ, giải pháp, dịch vụ mà FPT chưa có và cần có cho sự phát triển thị trường. Quy mô doanh nghiệp mà FPT muốn M&A có thể khoảng 50 người đến vài trăm. Thực tế, năm vừa rồi chúng tôi cũng đã xem xét nhiều trường hợp nhưng chưa thành công. Một vụ M&A cũng không dễ thành công, kể cả mua được rồi cũng không phải là dễ hòa nhập và hoạt động tốt. Tỷ lệ không thành công trong M&A cũng rất lớn. Hy vọng năm nay sẽ có 1 - 3 vụ M&A có kết quả", ông Bùi Quang Ngọc chia sẻ thêm.

Theo định hướng hoạt động năm 2014 của FPT, trong năm 2014, FPT sẽ đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm chắp "thêm vây thêm cánh" để trở thành một tập đoàn công nghệ quy mô toàn cầu.

"Mỗi thị trường có một nét văn hóa kinh doanh riêng. Nếu có được người bản địa thì cũng là lợi thế cạnh tranh cho FPT trên hành trình toàn cầu hóa. Thách thức cơ bản nhất trong các thương vụ M&A với đối tác người nước ngoài là có nhiều chuẩn mực về công nghệ, dịch vụ và quan trọng nhất là văn hóa của doanh nghiệp đó không giống người Việt Nam. Quản lý được những chuẩn mực này trong hệ thống của FPT là thách thức mà chắc chắn FPT sẽ phải đối mặt và phải vượt qua nếu muốn làm tốt công tác M&A", Tổng Giám đốc FPT phân tích.

Hiện FPT đã sẵn sàng nguồn lực tài chính cho hoạt động M&A. Theo bật mí của người ngồi trên "ghế nóng" CEO FPT: "M&A thực sự rất tốn kém, một giao dịch cũng có thể lên tới mấy chục triệu USD. FPT đã chuẩn bị dành khoảng 50 triệu USD cho hoạt động M&A".

Doanh thu toàn cầu hóa của FPT năm 2013 đạt 2.067 tỷ đồng (tương đương 130 triệu USD), tăng trưởng 30% so với năm trước, liên tục mở rộng vùng phủ quốc tế, đã hiện diện tại 17 quốc gia. Doanh thu từ 2 dịch vụ mới (điện toán đám mây và di động) đạt 95 tỷ đồng, tăng trưởng 300% so với năm 2012, với một số dự án tiêu biểu như triển khai dự án trên nền công nghệ đám mây cho công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm bất động sản ở Mỹ; triển khai ứng dụng trên nền công nghệ di động cho hãng hàng không hàng đầu của Mỹ; được chọn là đối tác của Liên minh Các nhà sản xuất TV thông minh STA để xây dựng, triển khai, vận hành kho ứng dụng trên nền công nghệ điện toán đám mây cho TV thông minh. Bên cạnh đó, FPT đang tích cực đóng gói, nâng cấp giải pháp đã có ở Việt Nam để mang ra nước ngoài như các giải pháp Chính phủ điện tử, quản lý ngân sách, quản lý thuế, quản lý các bệnh viện,... Hiện FPT có khoảng 300 khách hàng, đối tác là các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới, trong đó có 30 khách hàng thuộc danh sách Fotune 500.

FPT đang hướng tới mục tiêu đạt 350 - 400 triệu USD doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài vào năm 2016, trở thành nhà tích hợp hệ thống hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực dịch vụ tin học và ứng dụng chuyên ngành.