Một thời đeo mác làm thuê

Doanh thu và thị trường liên tục tăng trưởng (đạt con số 81,5 triệu USD doanh số vào tháng 10/2013), nhiều năm liên tục duy trì vị thế số 1 Việt Nam về xuất khẩu phần mềm, nhưng suốt một thời gian dài, FPT Software chỉ được coi là một doanh nghiệp làm thuê cho các đối tác ngoại với các đơn đặt hàng gia công phần mềm thuộc công đoạn thấp trong chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ phần mềm thế giới.

Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Với những dự án lớn như tích hợp hệ thống cho các tổ chức ngân hàng, tài chính, hầu hết những mảng việc có giá trị gia tăng cao đều do doanh nghiệp ở các quốc gia khác (như Ấn Độ, Trung Quốc...) thực hiện, chỉ còn một vài mảng việc nhỏ bên dưới thì doanh nghiệp Việt Nam làm. So sánh một cách hình ảnh thì doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt thường chỉ đơm cúc áo, còn việc làm ra cái cúc, cái áo hoặc thiết kế và lắp ráp áo thì không làm được, vẫn để dành cho người khác.

Khi chỉ được coi là "kẻ làm thuê", đương nhiên sẽ khó tránh khỏi sự cư xử bất bình đẳng của các "ông chủ" nước ngoài. Một nhân viên của FPT từng ngậm ngùi chia sẻ với ICTnews câu chuyện bản thân rất "nóng mắt" khi bị giám đốc người Nhật Bản kỳ thị ra mặt nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Thấu hiểu tâm trạng và vị thế của những người yếm thế hơn trong cuộc chơi hợp tác kinh doanh toàn cầu hóa, trong một số hội nghị, hội thảo diễn ra gần đây, Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình đã bày tỏ quyết tâm đổi vận cho FPT từ chỗ làm thuê sang đối tác của các doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài, để FPT thoát khỏi cái mác gia công sau gần 15 năm làm xuất khẩu phần mềm. Tháng 6/2013, Tổng Giám đốc Trương Gia Bình còn bật mí mục tiêu cụ thể là trong 3 năm tới, tỉ lệ giữa việc đi làm thuê và cung cấp các giải pháp, dịch vụ trọn gói (đặc biệt là các giải pháp, công nghệ mới) của FPT sẽ đạt con số 80% - 20%.

Dùng di động, đám mây để trở thành đối tác cao cấp

Hưởng ứng quyết tâm của sếp tổng Trương Gia Bình, FPT Software đã và đang đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, nâng cao năng lực công nghệ để tham gia vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ phần mềm của thế giới.

Trao đổi với ICTnews, bà Lương Thanh Bình, Trưởng Phòng Truyền thông và Đối ngoại của FPT Software cho biết FPT Software đã và đang triển khai cho đối tác quốc tế nhiều dự án dựa trên nền công nghệ mới như mobility (công nghệ di động), cloud (điện toán đám mây). Trong năm 2013, các dự án liên quan đến mảng công nghệ mới này đạt tốc độ tăng trưởng 3 con số, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng doanh thu chung của toàn công ty.

"Chúng tôi thực sự tự hào khi các kỹ sư phần mềm của FPT Software viết ra những sản phẩm liên quan đến công nghệ điều khiển bằng giọng nói cho một hãng truyền hình vệ tinh lớn của Mỹ, làm thay đổi cách xem tivi của 27 triệu người dùng Mỹ và khoảng 15 triệu người ở châu Mỹ La tinh. Hay chuyển đổi toàn bộ các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản từ mô hình truyền thông sang mô hình phần mềm dịch vụ trên nền công nghệ điện toán đám mây (cloud) cho hãng bảo hiểm bất động sản hàng đầu tại Mỹ. Hay việc FPT trở thành đối tác chiến lược trong việc cung cấp dịch vụ phần mềm trên nền công nghệ di động (mobility) cho một hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới", bà Lương Thanh Bình nói.

Liên tục trong vài tháng gần đây, FPT Software đón nhận những tin vui như lọt Top 100 nhà cung cấp dịch vụ CNTT trên toàn cầu năm 2013 do Công ty Truyền thông Global Services (Ấn Độ) và Công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá; lọt Top 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới (Software 500) theo bình chọn của Tạp chí Software Magazine;...

"FPT Software đã bước đầu có những thành công trong việc thiết lập vị trí của mình trong chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ phần mềm của thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển các dịch vụ trên nền công nghệ mới; phát triển đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm chuyên sâu; nâng cao năng lực với các chứng chỉ, quy trình chất lượng theo chuẩn quốc tế để có thể có được vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Việc này không chỉ giúp công ty giữ vững tốc độ tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, nhân lực mà còn tạo dựng được lợi thế cạnh tranh rất lớn trước các đối thủ trong cùng lĩnh vực tại thị trường quốc tế", bà Lương Thanh Bình chia sẻ thêm.

Nhìn rộng ra cộng đồng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, bà Lương Thanh Bình nhận xét: Hiện nay, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phần mềm cho thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…. Nếu chỉ tham gia vào công đoạn thấp của chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ phần mềm cho thị trường thế giới thì nguy cơ bị các đối tác loại ra ngoài cuộc chơi là điều khó có thể tránh khỏi. Nếu Việt Nam có thêm một số lượng lớn kỹ sư CNTT thông thạo tiếng Nhật, tiếng Anh, các chuyên gia CNTT trong một số lĩnh vực chuyên biệt như tài chính ngân hàng, tự động hóa… thì sẽ "ăn" được "miếng bánh" to hơn từ thị trường ủy thác dịch vụ phần mềm trị giá tới 280 tỷ USD của thế giới.