Theo ông Phạm Tú Cường, trước áp lực thiếu hụt kỹ sư phần mềm, FPT Software đã áp dụng chế độ đãi ngộ khá tốt để có được nguồn lực đáp ứng nhu cầu công việc.

"Thu nhập trung bình tại FPT Software là 1.000 USD/tháng, tương đương hơn 20 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình của ngành CNTT-TT Việt Nam (theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam, mức lương bình quân của lĩnh vực công nghiệp phần mềm là trên 5.000 USD/người/năm). Sinh viên mới ra trường nếu đáp ứng yêu cầu thành thạo 1 ngôn ngữ lập trình và biết giao tiếp bằng ngoại ngữ thì cũng có thể nhận được mức lương từ 7 - 12 triệu đồng/tháng. FPT Software có thể chi trả mức thu nhập cao như vậy vì có cơ hội cung cấp dịch vụ công nghệ cao cho thị trường toàn cầu với lượng công việc ổn định và doanh thu tốt", ông Phạm Tú Cường cho biết.

FPT Software

Thế nhưng, câu chuyện không có đủ người thực hiện các đơn hàng vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam nói chung và FPT Software nói riêng. Theo nhận định của ông Phạm Tú Cường, những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp của các khoa, trường đào tạo CNTT-TT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp. Các công ty FPT Software vẫn đang mong muốn trong 3 năm tới các tổ chức đào tạo tại Việt Nam có thể tăng gấp 3 lần số lượng sinh viên tham gia các ngành học về CNTT, công nghệ phần mềm.

Dự kiến trong 3 năm tới, FPT Software có nhu cầu tuyển dụng 10.000 vị trí từ kiểm thử, lập trình viên, kỹ sư cầu nối, biên dịch (Comtor) đến quản trị dự án, trong đó có khoảng 10 - 15% sẽ được cử đi làm việc tại các chi nhánh của công ty trên toàn cầu trong các dự án với các đối tác lớn ở  Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc.

Trong số 10.000 vị trí cần tuyển người, sẽ có khoảng 5.000 - 6.000 là sinh viên đến từ các trường khối CNTT và ngoại ngữ. Để có thể làm việc tại doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho thị trường toàn cầu như FPT, các ứng viên phải đáp ứng một số yêu cầu như: có kỹ năng chuyên môn, tối thiểu cũng phải nắm vững 1 ngôn ngữ lập trình như Java, C++...; có kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật); có trải nghiệm làm việc thực tế trong môi trường doanh nghiệp.

Không bị động ngồi chờ nguồn nhân lực từ hoạt động đào tạo của các trường học, FPT Software đã và đang triển khai khá nhiều hoạt động để hút chất xám về cho mình như tổ chức ngày hội hướng nghiệp tại đại bản doanh của công ty để sinh viên tận mục sở thị môi trường làm việc doanh nghiệp, hoặc chuyển giao gói đào tạo tân binh cho trên 10 trường đại học thuộc nhóm ngành CNTT, Điện tử Viễn thông trên toàn quốc giúp đào tạo khoảng gần 900 sinh viên trong năm 2014. Ước tính mỗi năm FPT Software đầu tư tới 5 - 7% doanh thu cho việc phát triển nguồn nhân lực.

Dự kiến trong nửa cuối năm 2014, FPT Software sẽ công bố 1 hệ thống kiểm tra trực tuyến để tất cả sinh viên hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm có thể truy cập và tự đánh giá xem kỹ năng của mình đang ở đâu so với yêu cầu công việc thực tế mà FPT Software đang cần, để từ đó có thể nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, không lọt vào danh sách đội quân thất nghiệp hơn 70.000 người tại Việt Nam (theo cập nhật mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Việt Nam có tới 72.000 cử nhân thất nghiệp trong quý 4/2013 – PV).

FPT Software đã và đang tập trung nghiên cứu phát triển các giải pháp, dịch vụ trền nền tảng công nghệ điện toán đám mây, di động, dữ liệu lớn. Nhiều giải pháp, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới của công ty đang được triển khai tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Do đó, công ty có nhu cầu rất lớn về nhân lực làm việc cho những dự án liên quan đến các công nghệ này trong lĩnh vực hàng không, truyền hình vệ tinh, tự động hóa, ngân hàng,...