Họ - những người lính anh dũng 25 năm trước – giờ là những nông dân chăm chỉ, nhễ nhại mồ hôi từ trên những rẫy cao su.

Trong những năm cầm bút vừa qua, công việc chính của tôi: viết bài, biên tập, tổ chức bài vở.. chủ yếu ở tòa soạn và địa bàn Hà Nội.

Năm 2011 là một ngoại lệ, tôi xách ba lô đi công tác, một ngọn lửa thôi thúc trong tim khiến tôi không thể cưỡng lại được.

Lần đầu tiên tôi xem đoạn phim tài liệu về sự kiện ngày 14/3/1988 bi tráng, để rồi những ngày tiếp đó tôi xem đi xem lại đoạn phim với muôn vàn cảm xúc.

Đọc những bình luận, những bài viết trên mạng của rất nhiều người, tôi nhận ra một điều: những công dân trẻ thời nay họ không hoàn toàn vô cảm hay chỉ chú tâm vào những thứ phù phiếm vô bổ như ai đó hồ đồ.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (giữa hàng đầu) - thuyền trưởng của một trong ba tàu trong cuộc chiến đấu ác liệt ở Trường Sa ngày 14-3-1988.

Chủ nhân các bình luận đoạn phim ‘vòng tròn bất tử’ kia đang quan tâm lắm, khao khát lắm những thông tin, nhưng câu chuyện cụ thể về một sự kiện lịch sử, về những con người lâu nay vốn rất ít được biết đến.

Đặc biệt, về phía chính những nhân vật trong đoạn clip bi hùng kia đã sống thầm lặng quá lâu, chắc chắn không có dịp nào thích hợp hơn nữa vinh danh họ, để họ - những nhân chứng lịch sử - kể lại câu chuyện anh dũng và đau thương kia. Đặc biệt khi những câu chuyện biển đảo đang được nóng lên.

Bỏ lại cách làm việc thường lệ: gọi điện, email, tìm cộng tác viên hay phóng viên thường trú. Tôi lên đường. Không thể để ai khác, tôi phải đích thân tìm đến gặp những con người lặng thầm mà oanh liệt, đã đốt cháy cảm xúc của tôi và bao nhiêu người dân Việt.

Quảng Bình: những con người dưới rẫy cao su


Vùng đất Bố Trạch, Quảng Bình nhiều đất đỏ và nắng gió. Kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa và cây cao su. Nhà nào có rẫy cao su, có thể yên tâm về mặt thu nhập. Đó là những gia đình có sự chuẩn bị từ hàng chục năm trước, giờ những cây cao su của họ đã bắt đầu cho thành quả.

Những người không tìm được cây cao su từ thập niên trước, giờ chấp nhận cuộc sống khá chật vật với những ruộng lúa ngày càng thu hẹp lại.

Họ - những người lính nhân vật của tôi – cũng có thể coi là những đại diện điển hình của bức tranh kinh tế này: tuy là một nhóm người nhỏ, nhưng như gia đình anh Lê Văn Đông có cuộc sống khá tốt từ sự cần cù trên rẫy cao su. Anh Mai Thanh Hải, Lê Thanh Miễn còn khá chật vật với thu nhập từ các ruộng lúa.

Nhưng có một điểm chung, họ giờ đều là những nông dân chăm chỉ. Họ mang nguyên những giọt mồ hôi từ trên rẫy cao su hay đồng lúa về tiếp tôi.

Kể lại câu chuyện xưa bằng giọng bình thản, giản đơn như câu chuyện về lúa gạo ngô khoai, không màu mè, không tô vẽ hay kèm những từ ngữ đầy hào hùng như tôi thường đọc được, nghe được ở đâu đó, họ kể những câu chuyện giản dị đầy xúc động.

Phóng viên VietNamNet cùng gia đình những người lính Gạc Ma năm xưa xem lại đoạn phim tài liệu vòng tròn bất tử.

Khi bài viết lên, có người thắc mắc tại sao tôi đưa chi tiết anh Lê Văn Đông khóc lóc khi bị pháo bắn vào bài viết. Nhưng chính tôi lại thấy đó là chi tiết đắt nhất. Không ai sinh ra đã là anh hùng ‘coi cái chết nhẹ tựa lông hồng’ như trong tiểu thuyết lãng mạn.

Điều khiến tôi xúc động chính ở sự chất phác, thô mộc của những con người bình dị. Anh hùng không chỉ là trước mặt kẻ bắn mình, mà là vượt lên sự sợ hãi bản năng của mỗi người – tôi nghĩ vậy.

Trở về từ chiến sự, họ lại cất lên vai lo toan đời thường về giá nông sản xuống thấp, phân bón lên cao...

Từ nhà người này sang người khác, mỗi câu chuyện khác, càng lúc tôi càng nhận ra một điều: đôi khi chúng ta cứ mải đi tìm hay tung hô đâu đó, hóa ra anh hùng ở ngay đây, trong sự thô mộc lam lũ của người lao động.

Tôi nhớ nhất chuyến đi đến nhà cựu chiến binh Mai Văn Hải. Từ đường quốc lộ Bắc – Nam, đi vào nhà anh Hải khoảng gần 20km đường đất đỏ, qua cầu treo lắc lẻo và những ruộng lúa xanh tươi.

Đến đoạn vào giữa rừng thông, cả đoạn đường thăm thẳm chỉ có có tôi và 2 em sinh viên Quảng Bình đi cùng, chúng tôi cũng hơi hoảng và mất phương hướng. Dừng lại gọi điện cho anh Hải chỉ dẫn tiếp, đột nhiên có hai người đàn ông, một thanh niên 16 – 17 tuổi đèo một người hơn 40 đi xe máy đến chỗ chúng tôi thì… dừng lại, từ từ tiến đến sát 3 chị em đang đứng cạnh đường.

Trống ngực tôi đập loạn xạ, mắt liếc xung quanh tìm một cục đá, vừa ra hiệu cho 2 em sinh viên sẵn sàng ‘chiến đấu’; nhưng người đàn ông lớn tuổi gương mặt sạm đen khắc khổ, trông gầy gò càng tiến đến gần càng nghe rõ tiếng chuông điện thoại đổ trong… túi của anh.

Anh nở nụ cười hiền hậu: “Nhà báo phải không? Tôi không đi được xe máy, phải bảo con trai chở ra đón, từ đây đến nhà còn 8km nữa”. Hú hồn…

Nhà anh Hải nằm tựa vào ngọn đồi, nhìn xa như lọt hẳn trong rừng. Gia đình 6 người sum vầy trong một ngôi nhà đơn sơ, đường đi lên dốc ngoắt nghéo.

Anh Hải ít nói, chỉ khục khặc vài câu chữ khi nói về câu chuyện của mình, của đồng đội.

Cách dùng từ của anh cũng ngồ ngộ khiến tôi suýt phì cười: “Hắn (người Quảng Bình dùng từ này cho nhiều đối tượng, cả người hay vật. Trong trường hợp này “hắn” của anh Hải là nước) hất đẩy mình lọt qua cửa cabin xuống biển, uống nước no tròn”.

“Hắn (bác sĩ Trung Quốc) rạch rồi dùng panh ngoáy ngoáy moi mảnh đạn, chả thuốc mê man gì. Tôi cố nhịn thở cho chết mà chẳng chết, khỏe re”

Bù lại, vợ anh Hải ngồi kế bên nói tía lia không ngừng. Chị kể về anh hàng xóm đi bộ đội mất tích, rồi gia đình nhận tin báo tử lần 1 lần 2 ra sao. Chị chứng kiến mẹ và anh em anh Hải đau đớn ra sao, rồi lại mừng vui thế nào khi biết tin anh sống sót. Và anh chị yêu nhau thế nào, những lúc trái gió trở trời đau đớn, rồi anh Hải đi bệnh viện thế nào…

Sau đó chị chu đáo bảo cậu con trai đưa chúng tôi sang một bạn chiến đấu khác của anh Hải, cách đó vài cây số trong khi anh Hải gọi điện cho bạn anh – Đinh Xuân Toại – từ rẫy cao su về ‘tiếp nhà báo’.

Anh Đinh Xuân Toại là nhân chứng của một sự kiện khác, rất ít người biết: sau sự kiện ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc tạm thời chiếm mất đảo Gạc Ma và Len Đao.

Anh Toại lúc đó đang làm nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan gần đó. Cả ngày các anh đã cố gắng tiếp cứu đồng đội nhưng không được. Hôm sau anh Toại cùng nhiều chiến sĩ được điều về đất liền, chuẩn bị lực lượng chiếm lại Len Đao.

“Chúng tôi có 35 lính công binh và 7 thủy binh, ra đi với quyết tâm giành lại đảo. Trước khi đi, chúng tôi đã được chuẩn bị tư tưởng có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông giành giật đảo của ta. Nhưng chúng tôi vẫn đi, quyết tử”.  

Kết quả là phía Trung Quốc dù tàu lớn quân đông hơn nhưng cuối cùng cũng phải tản ra để các anh làm việc. Len Đao được giành lại đến ngày nay như thế.
Anh Toại kể về một câu chuyện ‘quyết tử’ bằng giọng kể đều đều, bình thản như kể chuyện làm rẫy, như củ khoai, bao thóc.

  • Hoàng Hường