Đại tá Muammar Gaddafi vừa gửi một phái viên tới Hy Lạp để thảo luận kết thúc xung đột ở Libya nhưng không đưa ra một dấu hiệu nhượng bộ nào trong một cuộc chiến đang lâm vào thế bí giữa quân nổi dậy và lực lượng trung thành với chính phủ. Thông tin này làm dấy lên tin đồn nhà lãnh đạo Libya đang định tị nạn tại Hy Lạp.

Bí ẩn lớn nhất về đại tá Gaddafi

Gaddafi muốn đàm phán từ chức
Quan chức của Gaddafi đào tẩu hàng loạt

Lộ diện con gái tuyệt xinh của Gaddafi

Một quan chức chính phủ Hy Lạp cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Abdelati Obeidi đã bay tới Athens, mang theo thông điệp của ông Gaddafi tới Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou rằng Tripoli muốn cuộc chiến kết thúc. 

Theo các nhà chức trách ở Athens, ông Obeidi sẽ tới Malta và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi khi rời Hy Lạp.

"Dường như các quan chức Libya đang tìm kiếm một giải pháp", Ngoại trưởng Hy Lạp Dimitris Droutsas nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy có điều gì mà Tripoli sẵn sàng đưa ra - ngoại trừ mong muốn đàm phán - để chấm dứt một cuộc chiến vốn đang bị sa lầy trên tuyến đầu ở thị trấn dầu mỏ Brega thuộc phía đông. 

Trước cảnh ngộ éo le của dân thường ở đông Libya, một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới thành phố bị mắc kẹt Misrata để cứu khoảng 250 người bị thương và nhanh chóng rời đi sau khi quá nhiều người dấn lên tàu với hy vọng thoát thân.
 
"Đó là một tình huống rất khó khăn... Chúng tôi phải rời đi sớm", quan chức Ali Alin thuộc lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sau khi tàu dừng lại để đón thêm người bị thương tại Benghazi, thành trì của quân nổi dậy ở phía đông Libya. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh cho con tàu này tới Misrata sau khi tàu phải chờ suốt 4 ngày để lấy giấy phép cập bến nhưng vô ích. Cuối cùng, tàu đã tiến vào với sự yểm trợ của 10 chiến đấu cơ F-16 và hai tàu khu trục của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, ông Akin cho hay.

Sự can thiệp quân sự của liên quân, được Liên Hợp Quốc cho phép, bắt đầu hôm 19/3 có mục đích bảo vệ dân thường bị kẹt trong cuộc chiến giữa quân nổi dậy và lực lượng Gaddafi.  

Tuy nhiên, đến nay, cả binh sĩ chính phủ Libya và quân nổi loạn đều không thể nắm thế thượng phong ở tuyến đầu thuộc miền đông, bất chấp không lực phương Tây ra sức hỗ trợ quân nổi dậy. Cầm chân nhau ở con đường ven biển dẫn tới các cảng dầu ở đông Libya, hai bên lâm vào thế bí tại Brega, một vùng thưa dân trải dài hơn 25km. 

Tuy nhiên, các nước phương Tây với lo ngại sẽ vướng quá sâu vào một cuộc chiến khác sau chiến dịch ở Afghanistan và Iraq đã loại trừ khả năng cử bộ binh đến giúp quân nổi dậy. 

Mỹ - nước trao quyền chỉ huy chiến dịch Libya cho NATO - cho biết nước này đã đồng ý tiếp tục sử dụng máy bay để không kích trong hôm nay (4/4) do tuần trước thời tiết xấu. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh mong muốn sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và chuyển sang vai trò hỗ trợ trong các lĩnh vực như do thám, tiếp nhiên liệu... 

Thế bế tắc ở tuyến đầu Brega cộng với cảnh ngộ của dân thường bị kẹt giữa hai làn đạn cùng tình trạng thiếu thực phẩm, nhiên liệu...  đã dẫn tới một loạt các cuộc tiếp xúc ngoại giao nhằm tìm ra đường thoát. 
 
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã có nhiều cuộc điện đàm với các nhà chức trách ở Tripoli và lãnh đạo các nước Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh trong 2 ngày qua. 

Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao khuyến cáo bất kỳ một thỏa hiệp ngoại giao nào - chẳng hạn đề xuất mà trong đó Gaddafi trao quyền cho con trai - có thể khiến Libya bị chia tách. 

"Nhiều viễn cảnh đang được bàn thảo. Tất cả đều muốn một giải pháp nhanh chóng", nhà ngoại giao nói trên nhận xét. 

Thanh Hảo (Theo Reuters, AP)