Trong 8 năm, Khởi đã viết khoảng hơn 1.000 bức thư tình thuê cho thiên hạ, trong đó có những bức thư gắn liền với những câu chuyện, những số phận kỳ lạ mà khó ai có thể tưởng tượng ra nổi nếu không được nghe chính người trong cuộc kể ra. Trong số những câu chuyện Khởi kể, tôi thích hai câu chuyện khá đối lập nhau về hoàn cảnh nhưng chung ở một điểm: Dù mỗi người có những địa vị khác nhau, có mắc phải những lỗi lầm gì trong đời thì hai chữ TÌNH YÊU không có tội và nó luôn hướng con người đến với điều thiện.

Tin liên quan:

Nguyễn Mạnh Khởi, bút danh Khởi Nguyên, sinh năm 1982, tốt nghiệp Học viện Tài chính Kế toán Hà Nội. Khởi viết thư thuê từ khi còn là một cậu học trò lớp 11 trường PTTH Hải Hậu A (Nam Định). Tính đến nay, anh đã là tác giả của hơn 1.000 bức thư viết thuê, trong đó chủ yếu là thư tình. Nhóm viết thư thuê "Đồng cảm và chia sẻ" của Khởi gồm có 4 thành viên. Trung bình mỗi ngày, nhóm của Khởi nhận được khoảng 5 lời đề nghị. Đặc biệt trong dịp Valentine năm 2010 vừa qua, đã có đến 60 lời đề nghị được gửi đến hộp thư dongcamvachiase@gmail.com trong 1 ngày. Với khoảng 4 triệu đồng/tháng, Khởi cũng có một khoản thu nhập kha khá để trang trải cho việc học Cao học Kinh tế của mình.
Mạnh Khởi đang miệt mài với những lá thư tình theo yêu cầu của khách hàng.

Bức thư xin con của cô "gái gọi"

Nguyễn Mạnh Khởi bắt đầu câu chuyện về những bức thư viết thuê của mình bằng trận "đại hồng thủy" năm 2008, khi mà cả Hà Nội bị nhấn chìm trong biển nước. Khởi nhớ lại: "Đợt mưa khủng khiếp đó đã làm cho khu phố nhỏ trong quận Hà Đông trở thành những dòng sông nước xiết. Không thể đi học, đi làm, tôi chỉ còn mỗi thú vui ngồi ngắm mưa và đọc lại những bức thư tâm đắc của mình. Cô gái ấy gõ cửa nhà tôi trong một buổi sáng mưa gió như thế. Cô gái có khuôn mặt đẹp nhưng lại có đôi mắt rất buồn, buồn đến mức làm trống trải cả người đối diện. Ngập ngừng mãi, cuối cùng cô cũng đề nghị tôi viết giúp một bức thư tình với nội dung mà khi nghe xong, tôi choáng váng không biết có nên nhận lời hay không nữa".

Theo lời kể của Khởi thì Huyền - cô gái đến nhờ anh viết thư - tự nhận mình là một cave chuyên nghiệp, đứng bắt khách trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, gần một số quán karaoke mà lúc nào cũng có những vị khách chếnh choáng đi ra vẫy các cô để tìm một nơi “giã rượu”. Quê Huyền ở tận Thanh Hóa nên cô phải thuê một căn phòng trọ nhỏ nằm sâu trong khu Chùa Láng. Cạnh phòng trọ của cô có một anh sinh viên ĐH Kiến trúc mới chuyển đến. Không muốn người hàng xóm mới biết thân phận của mình, Huyền phải nói dối là sinh viên tại chức, học buổi tối rồi đi làm nhân viên cho một quán cà phê đến khuya để lấy tiền ăn học. Khuôn mặt đẹp và sự “hiếu học”, chăm chỉ của cô gái phòng bên đã làm chàng sinh viên thầm yêu trộm nhớ. Rất nhiều lần chàng sinh viên bày tỏ tình cảm nhưng Huyền đều từ chối vì cô không muốn lừa dối và làm tổn thương một người bạn tốt như anh.

Chính những tình cảm trong sáng, lòng nhân ái của chàng sinh viên đó đã khiến cho Huyền nhiều đêm thức trắng. Cuối cùng cô quyết định phải thay đổi cuộc sống của mình bằng việc đăng ký tham gia làm công nhân tại một nông trường chè ở Phú Thọ - nơi dành cho những người phụ nữ có cảnh ngộ như cô làm lại cuộc đời. Huyền cũng xác định rằng cô sẽ không bao giờ lấy chồng vì cô không tin trên cuộc đời này còn có một người đàn ông chấp nhận lấy vợ từng làm cave. Chính vì thế, qua thông tin trên mạng internet, Huyền mới tìm đến Mạnh Khởi để nhờ anh viết giúp một bức thư cho chàng sinh viên Kiến trúc nói thật hết mọi chuyện và xin chàng trai tốt bụng đó cho cô một đứa con. Đứa trẻ sẽ là niềm tin, sự hy vọng để cô sống tốt và cũng là dấu ấn cho lần được yêu đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong cuộc đời cô.

Nghe xong câu chuyện, Khởi đứng lên từ chối thẳng thừng yêu cầu của cô gái. Anh cảm thấy rất bức xúc vì tình cảm trong sáng và chân thành của chàng sinh viên kia bị đáp lại bằng sự dối trá của Huyền. Thế nhưng khi nhìn thấy sự khát vọng và tuyệt vọng đến nhức nhối trong đôi mắt mọng nước của cô gái, Khởi lại nhận lời. Đó có lẽ là bức thư khó viết và mất nhiều thời gian nhất của Khởi. Anh bảo: "Tôi thức trắng một đêm để viết bức thư. Bao nhiêu vốn chữ nghĩa tôi dồn cả vào trong đó, tình cảm thổi vào trong thư cũng là những rung động của chính tôi khi được nghe câu chuyện của Huyền. Sau đó bức thư được cô gái gửi đến cho anh sinh viên qua đường bưu điện. Anh sinh viên nhận được thư rất bất ngờ. Cảm động trước số phận của Huyền, anh ta đã nhận lời với tất cả sự tự nguyện và tình yêu với cô gái. Trước khi lên Phú Thọ, Huyền lại tìm đến nhà tôi và đưa cho tôi 500 ngàn đồng nói là để cảm ơn tôi về bức thư. Nhưng tôi không nhận và bảo cô hãy để dành những đồng tiền đó cho tương lai".

Bức thư tình của bà cụ gần đất xa trời
Viết thư tình (Ảnh minh họa)

Năm 2005, trong một chuyến về chơi quê bạn ở Nghệ An, Khởi đã được nghe một câu chuyện xúc động do chính bà nội của người bạn, năm đó đã 78 tuổi kể lại. Trong kháng chiến chống Pháp, bà Bội là một giao liên chuyên đưa thư và dẫn đường cho các đoàn bộ đội. Trong những ngày tháng đỏ lửa đó, bà Bội đã quen và yêu một người lính lái xe. Hai người hẹn ước khi chiến tranh kết thúc sẽ nên vợ nên chồng. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, người lính lái xe tiếp tục Nam tiến, 2 người mất liên lạc với nhau từ đấy. Mỏi mòn chờ đợi mãi, cuối cùng, bà Bội cũng lấy một người lính khác. Cách đây ít năm, trong một lần về thăm lại chiến trường, bà Bội gặp lại người lính lái xe năm xưa, 2 người đã không nói được gì ngoài nước mắt. Người chiến sỹ dũng cảm năm xưa giờ đã là một ông già 82 tuổi và sống với con cháu tại TP Hồ Chí Minh. Ghi lại địa chỉ của ông nhưng chưa bao giờ bà Bội vào thăm cũng như viết cho ông một bức thư nào. Chính vì thế, những tình cảm tích tụ của mối tình đầu vẫn làm bà hàng đêm trở mình thức giấc.

Biết công việc của Khởi, bà Bội quyết định nhờ Khởi viết giúp bà một bức thư gửi cho người lính già để giãi bày tất cả những tình cảm bà dành cho ông suốt hàng chục năm chờ đợi và xa cách. Đây cũng là một bức thư khó viết đối với Khởi vì chứa đựng trong những câu chữ không chỉ là sức nặng của thời gian đằng đẵng mà còn là những tình cảm được dồn nén, nỗi nhớ được cô đọng của một người phụ nữ đã từng đi qua chiến tranh.

Khởi chia sẻ: "Bình thường tôi chỉ nhận được lời đề nghị viết thư tình từ các bạn trẻ, nhiều nhất là sinh viên và học sinh cấp 3 thế hệ 9X. Còn viết thư tình cho một bà cụ đã gần đất xa trời thì tôi chưa gặp bao giờ. Thế nhưng trước câu chuyện của bà Bội, tôi quyết định nhận lời. Bức thư của một người già và mối tình nảy sinh trong thời kỳ chiến tranh nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong câu chữ và cách diễn đạt. Cuối cùng bức thư cũng hoàn thành và khi đọc lại bà Bội phải rơi nước mắt. Đáng tiếc là khi bức thư được chuyển đến nơi thì ông cụ đã mất rồi. Giờ đây bà cụ giữ bức thư như một báu vật. Những lúc buồn và nhớ, bà lại giở ra xem. Bà bảo, khi nào xuống suối vàng, bà sẽ đem theo bức thư để gửi cho ông đọc. Quả là một mối tình đặc biệt".

Nói về nghề viết thư thuê, Khởi tin tưởng: "Tôi tin rằng dù xã hội có phát triển hiện đại đến đâu thì những bức thư tình trên giấy vẫn sẽ có một chỗ đứng riêng trong cuộc sống của mỗi người. Tôi viết thư thuê không phải để mưu sinh mà vì yêu thích công việc đặc biệt này. Người làm nghề viết thư tình là người may mắn được nghe rất nhiều những câu chuyện tình có một không hai trong thiên hạ. Tôi dự định trong tương lai sẽ phát triển nghề này mạnh mẽ hơn nữa, thành lập hẳn một câu lạc bộ để những người viết thư thuê có thể chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên sâu nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của các bạn trẻ đang yêu".
  • Theo Đời sống và Pháp luật