Sau những báo cáo Galaxy Note 7 cháy nổ lan nhanh vào đầu tháng 9, lãnh đạo Samsung tranh cãi nên phản hồi như thế nào. Ban đầu, họ không chút lo lắng. Vài người hoài nghi nhiều cáo buộc được làm giả và tranh luận thiểu số không thể làm lu mờ thực tế hàng triệu máy vẫn đang hoạt động bình thường, theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall.

Tập trung tại văn phòng ông D.J. Koh, Giám đốc bộ phận di động vừa được bổ nhiệm, ông và các lãnh đạo mảng di động khác, bao gồm cả người tiền nhiệm J.K.Shin và quan chức lâu năm G.S.Choi, cùng nhau kiểm tra kết quả ảnh chụp X-quang và CT điện thoại, dường như cho thấy ảnh hưởng nhiệt đến cấu trúc nội bộ của pin. Một số Note 7 bị lỗi có phần pin do Samsung SDI cung cấp phình to trong khi Note 7 dùng pin của nhà cung ứng khác lại không sao

Galaxy Note 7 chết tức tưởi từ sai lầm nghiêm trọng của Samsung?

Đó không phải câu trả lời chính xác và không hiểu vì sao lại có những phần phình to này. Tuy nhiên, trước lời phàn nàn từ người dùng và yêu cầu giải thích từ nhà mạng, ông Koh cảm thấy đã đủ để thu hồi 2,5 triệu máy. Gợi ý của ông được ủng hộ bởi người thừa kế thế hệ ba của Samsung, Lee Jae Yong, người luôn kêu gọi sự cởi mở hơn nữa tại một trong những tập đoàn lâu đời nhất thế giới.

Ngày 2/9, ông Koh tổ chức họp báo. Dù không công bố tên, ông cho biết công ty đã tìm ra vấn đề với một trong những nhà cung ứng và sẽ chuyển sản xuất sang đối tác khác mà họ tin rằng không gây sự cố.

Quyết định có phần vội vàng ngày ấy nay đã quay ngược lại làm hại Samsung.

2 tuần sau khi xử lý xong hàng triệu Note 7 bằng pin từ đối tác khác, Samsung nhận ra phán đoán ban đầu là sai lầm theo sau hàng loạt sự cố mới, liên quan đến cả những thiết bị được xem là an toàn. Đối mặt với các câu hỏi mới từ nhà chức trách, ông Lee và Koh đi đến biện pháp quyết liệt nhất: khai tử Note 7 ngay lập tức.

Dòng Galaxy Note đã giúp Samsung lên vị thế hàng đầu như ngày nay và Note 7, mẫu điện thoại cao cấp nhất từng có, sở hữu mọi yếu tố để chiến thắng. Trong một khoảnh khắc, dường như Galaxy Note 7 có thể giành ngôi vương của iPhone và biến Samsung thành một trong những hãng công nghệ thống trị thế giới. Được giới thiệu năm 2011, dòng Galaxy Note là một tự hào đối với Samsung, công ty chuyên bị chỉ trích và bị kiện vì sao chép iPhone. Điện thoại màn hình lớn phù hợp với thị hiếu khách hàng. Khi iPhone vẫn giữ màn hình nhỏ, Galaxy Note 7 quyết định chuyển sang cỡ lớn hơn, đặt ra danh mục mới “phablet” (tablet lai smartphone). Tháng 9/2013, Galaxy Note 3 gặt hái thành công lớn khi bán được 10 triệu máy trong 2 tháng. Năm sau đó, Apple phát hành mẫu iPhone đầu tiên có cỡ bằng Galaxy Note.

iPhone 7 năm nay bị đánh giá là không có thay đổi nổi bật, Samsung đã mong chờ vào cuộc đối đầu nảy lửa giữa iPhone và Note. Công ty loại bỏ số 6 và lên thẳng 7, thay đổi về tên gọi đặt Note 7 vào thế cạnh tranh trực tiếp với iPhone 7.

Galaxy Note 7 chết từ sai lầm nghiêm trọng của Samsung

Samsung đưa vào nhiều tính năng mới như máy quét mống mắt, chống nước, bút cảm ứng, pin lớn hơn 16% Note trước. Lượng đơn hàng đặt trước rất mạnh sau khi thiết bị được công bố ngày 2/8. Các chuyên gia nâng mức dự báo kết quả kinh doanh của Samsung, đẩy giá cổ phiếu lên mức kỷ lục.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại: sự cố Galaxy Note 7 cháy nổ khiến lãnh đạo Samsung gặp khó khăn khi lấy lại danh tiếng cho công ty. Nguy cơ thậm chí có thể kéo dài đến thiết bị đầu bảng tiếp theo, Galaxy S8.

Một quan chức bộ phận di động của Samsung mô tả sự cố Galaxy Note 7 như một chủ đề “nhiễm xạ”, khiến nhân viên cũng phải e ngại khi nhắc đến nó tại căngtin. Một kênh truyền hình địa phương còn cắm trại bên ngoài trụ sở công ty từ 6 giờ sáng để quay phóng sự về số đèn đang sáng bên trong nhằm khắc họa mức độ khủng hoảng sâu rộng của sự cố.

Sau khi một chuyến bay của hãng hàng không Southwest phải hủy chuyến vì chiếc Note 7 “bốc khói” đầu tháng 10, lãnh đạo cao cấp từ các nhà mạng lớn như Verizon hối thúc Samsung nhanh chóng “tiêu diệt” thiết bị, theo nguồn tin thân cận với vấn đề. Họ nói với ông Lee rằng Note 7 không thể bán được nữa.

Ngày 11/10, ông Lee gọi ông Koh đến và yêu cầu ngừng sản xuất Note 7. Cùng ngày hôm đó, ông Koh viết thư đến bộ phận di động, gọi đây là “một trong những thách thức khó khăn nhất mà chúng ta từng đối mặt”, theo bản copy bức thư mà Thời báo Phố Wall có được.

Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) được cho là đang điều tra liệu Samsung đã thông báo đủ sớm về nguy hiểm của thiết bị hay chưa. Một số luật gia cho rằng quyết định triệu hồi tự ý mà không qua quy trình chính thống  của CPSC của hãng điện tử Hàn Quốc đã cản trở nhà chức trách tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Thông thường, các công ty hợp tác cùng CPSC để xem xét và cùng nhau ra quyết định.

Đến nay, Samsung vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về nguyên nhân gây cháy trên Note 7. Các chuyên gia bên thứ ba chỉ ra một vài thủ phạm đáng nghi, từ phần mềm quản lý pin tương tác với các linh kiện smartphone khác cho đến thiết kế của toàn bộ mạch. Các kỹ sư cũng điều tra khả năng battery case quá nhỏ để chứa dung lượng pin lớn.

Những lần triệu hồi sản phẩm lớn chưa bao giờ rõ ràng. Tuy nhiên, người dùng thường sẵn sàng tha thứ nếu họ tin rằng công ty đang hành động vì họ và nhanh chóng giải quyết vấn đề. Stuart Statler, cựu ủy viên CPSC và cố vấn an toàn sản phẩm độc lập, nhận định: “Điều Samsung lẽ ra nên làm ngay từ đầu là chia sẻ kết quả hay ý kiến sơ bộ”.

Theo một thành viên trong nhóm phát triển Galaxy S8, lãnh đạo Samsung đã phải trì hoãn việc phát trên Galaxy S8 hai tuần để kỹ sư điều tra tận gốc sự cố nóng máy trên Note 7. Trong khi đó, các nhà đầu tư “thổi bay” gần 20 tỷ USD giá trị thị trường Samsung. Công ty thừa nhận vụ thu hồi Note 7 có thể khiến hãng mất trắng ít nhất 5 tỷ USD.