Là một trong những nội dung số “hái ra tiền,” song kể từ khi game online xuất hiện, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể có những sản phẩm đình đám, thu hút cộng đồng mạng. Nhiều sản phẩm game do người Việt viết ra đã “chết yểu,” trong khi cộng đồng thì đang... hồ hởi chơi
1. Khía cạnh tài chính thì rất đau
Đầu năm 2010, Công ty VinaGame (nay là VNG) đã nổ “phát súng” khơi mào cho một trào lưu game online Việt khi tung ra Thuận Thiên Kiếm-một trò chơi nhập vai trực tuyến với bối cảnh loạn lạc thời phong kiến ở miền Bắc. Ngày đó, VNG tiết lộ chi phí cho Thuận Thiên Kiếm vào khoảng 25 tỷ đồng và dự kiến thu hồi trong 3 năm.
Thậm chí, VNG còn vời đến hoa hậu Mai Phương Thúy làm đại sứ game này với mong muốn thu hút được cộng đồng mạng. Thế nhưng, dù có đầu tư bài bản thì Thuận Thiên Kiếm vẫn được xem là một sản phẩm không thành công về mặt doanh thu, người chơi. Và, tới tháng 3/2013, game này đã đóng cửa.
Cuối năm 2011, Công ty Cổ phần trò chơi Emobi cho ra mắt game 7554 với cốt truyện xoay quanh chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
7554 được Emobi thai nghén trong hai năm cùng số tiền khoảng 850.000 USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, game lịch sử này cũng thất bại.
Đó chỉ là hai game tiêu biểu của các công ty game Việt đã thất bại, cho dù được đầu tư bài bản.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Emobi thẳng thắn cho phóng viên Vietnam+ hay, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này mới chỉ bán ra được khoảng 7.000 đĩa cài đặt game 7554. Tính tổng cả lượng đĩa được phát tặng miễn phí thì tổng số vào khoảng 20.000 đĩa.
“Đây là một thất bại, nếu nhìn ở khía cạnh tài chính thì rất ‘đau’ khi doanh thu đem lại không là bao nhiêu so với số tiền đầu tư. Song, chúng tôi cũng thu được nhiều kinh nghiệm.” ông Huy trải lòng.
2. 90% game thủ chơi game Trung Quốc?
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo của VTC Intecom nhận định doanh thu của thị trường game Việt năm 2014 chỉ đạt 6.000 tỷ đồng, bằng với năm 2013. Thế nhưng, trong số 6.000 tỷ đồng này thì các doanh nghiệp trong nước chỉ thu được 60%, còn 40% thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài phát hành dịch vụ xuyên biên giới.
Ông Phạm Công Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ số FPT thẳng thắn cho hay, các thống kê cho thấy 90% các doanh nghiệp game trong nước hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều cả về doanh thu, lợi nhuận so với thời điểm 2012 trở về trước.
Còn theo ông Tuấn Huy, con số mà VTC Intecom đưa ra là có cơ sở, khi mà thị trường game Việt đang chứng kiến một nỗi đau khi 90% là game có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Các nhà phát hành game khi nhập sản phẩm về, ngoài việc trả tiền bản quyền còn chia sẻ doanh thu cho nhà phát triển. Bởi vậy, tôi cho rằng con số 40% doanh thu thuộc về doanh nghiệp nước ngoài là chính xác và doanh nghiệp game nội đang thất bại trên chính sân nhà.” ông Tuấn Huy nói.
Nói về nguyên nhân, ông Huy cho hay ngành game Việt xuất phát muộn. Tuy nhiên, vấn đề lớn chính là góc nhìn xã hội cho mảng game không tốt. Ngoài ra, chính sách xiết chặt nên việc đầu tư, theo đuổi sản xuất game bị hạn chế. Trong khi đó, vệc phát hành ít rủi ro và lợi nhuận lại tốt hơn nên các doanh nghiệp cứ thoải mái tập trung vào phát hành game của nước ngoài.
Ông Phạm Công Hoàng cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp game trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động một cách chính thống, chịu ảnh hưởng mạnh từ các sự thay đổi về các chính sách quản lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp game hoạt động không chính thống và các doanh nghiệp nước ngoài lại không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào khi cung cấp game xuyên biên gới. Đây chính là cơ hội giúp các doanh nghiệp game nước ngoài phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, Nghị định 72 ra đời được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho game online và hạn chế những tác hại không mong muốn cho xã hội. Song, theo một số chuyên gia trong ngành, có vẻ cơ quan chức năng đang cực kỳ thận trọng khi vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể để ngành game có định hướng phát triển rõ ràng.
Cho dù gặp khó, một vài studio game lớn đã đóng cửa, song ngành game Việt vẫn tiếp tục tìm cách vươn lên với hàng loạt các studio nhỏ ra đời làm game mobile…
Theo trí thức trẻ