Nước ngọt rẻ, uống mãi thành quen

“Khoảng lớp 6, tôi bắt đầu uống nước ngọt mỗi ngày ở cổng trường, chỉ 5 ngàn đồng một chai.  Ngày nào tôi cũng uống cho đến khi học xong cao đẳng, tính ra là 9-10 năm. Tôi không chơi thể thao, rất ngại giao tiếp và vận động. Có lẽ những điều này khiến tôi ì ạch và béo quá mức. Lúc nhỏ tôi không suy nghĩ nhiều, thấy ngon thì uống, thấy chơi điện thoại vui hơn thể thao”, Quân kể.

Trong suy nghĩ của gia đình Quân, nước ngọt không có hại như rượu bia, uống 1-2 chai cũng không vấn đề. Vì thế, mỗi cuối tuần tụ họp, người lớn lại mua về một thùng nước ngọt có ga. Đó là món khoái khẩu của anh em Quân.

Khi vào cấp 3, Quân bắt đầu phát tướng. Sau đó, ở gáy và hai bên nách xuất hiện những vệt đen sẫm giống như người ở bẩn. Tắm rửa, kỳ cọ cỡ nào cũng không ra, Quân mặc cảm không dám cởi trần khi ở nhà. Lúc này, gia đình mới yêu cầu em giảm bớt nước ngọt, tăng giao tiếp và vận động. Tuy nhiên, Quân từ chối thay đổi lối sống.

Vết đen trên cơ thể Quân xuất hiện sau vài năm ghiền nước ngọt.

“Đến khi sắp tốt nghiệp cao đẳng, tôi mới ngại vì hình dáng của mình. Tập luyện rất dài mới giảm được vài kg nhưng vẫn chưa dứt hẳn được nước ngọt. Buổi tối tôi vẫn uống một chút cho đỡ thèm. Tôi tìm hiểu mới biết các vết bẩn ở nách là dấu gai đen, cảnh báo tiểu đường. Gia đình tôi cũng có 2 người lớn bị bệnh này”, Quân lo lắng kể.

Các số liệu cho thấy tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam tăng nhanh qua các năm: 35,3 lít/người vào năm 2013 lên 46,59 lít/người vào năm 2016 và 50,09 lít vào năm 2020. Khoảng 34% học sinh từ 13 đến 17 tuổi uống nước ngọt ít nhất 1 lần 1 ngày.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đường tự do trong đồ uống có đường là một yếu tố gây ra thừa cân béo phì.

Lý do là sản phẩm này cung cấp năng lượng nhanh nhưng ít chất dinh dưỡng, chứa nhiều đường fructose. Đường fructose dẫn đến tình trạng kháng leptin (một loại hormone giúp điều chỉnh cơn đói và báo cho cơ thể ngừng ăn), làm tăng cảm giác đói và thèm ăn nhiều hơn đường glucose.

“Kháng leptin là một trong những nguyên nhân sinh học chính gây ra bệnh béo phì”, bác sĩ Diễm nói. Vị chuyên gia này khẳng định đồ uống có đường tạo gánh nặng bệnh tật như sâu răng ở trẻ nhỏ, thừa cân béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường...

Giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giảm bệnh trong tương lai

Dịp tết năm 2022, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tiếp nhận cấp cứu một bé gái 13 tuổi trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt. Gia đình cho hay trong vài ngày nghỉ tết, bé được thoải mái uống nước ngọt yêu thích, ước tính khoảng 1-1,5 lít các loại.

Sau kỳ nghỉ, bé than mệt, liên tục khát nước, tiểu nhiều, sụt cân. Nhiều ngày sau, trẻ lơ mơ và được đưa đến bệnh viện địa phương. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị toan ceton máu do đái tháo đường. Đường huyết ghi nhận lên tới hơn 1.500mg/dl.

Các bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết với nhiều loại dịch truyền, thuốc insulin tiêm trong 2 ngày, bệnh nhi mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức độ tiêu thụ sản phẩm đồ uống có đường có mối quan hệ trực tiếp với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em. Trong khi đó, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng trên toàn cầu. 

Tỷ lệ trẻ em béo phì tại Việt Nam tăng cao liên tục. 

Ông Mark Goodchild, chuyên gia kinh tế WHO tại Việt Nam, cho rằng trong các giải pháp can thiệp liên quan đến chế độ ăn uống, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đạt hiệu quả mạnh nhất. 

“Đường tự do trong đồ uống có đường hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại được tích cực quảng bá và tiếp thị cho giới trẻ, một trong những nhóm có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn trong tương lai”, ông Mark nói.

Đồ uống có đường đang được Bộ Tài chính đưa vào danh mục đề xuất các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện có khoảng 80 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường dưới nhiều hình thức.

Ví dụ, Mexico áp thuế tuyệt đối theo đơn vị thể tích, Nam Phi đánh thuế tuyệt đối theo mỗi gram đường trong 100ml đồ uống, Thái Lan áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp (kết hợp thuế tuyệt đối theo ngưỡng đường và thuế tỷ lệ).

WHO cũng khuyến nghị Việt Nam cần bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khoẻ trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường; kiểm soát quảng cáo các sản phẩm này, nhất là với trẻ em; can thiệp dinh dưỡng trong trường học; truyền thông về tác hại của đồ uống có đường…

Giao Linh, Thuý Tình, Diệu Thúy, Diệu Bình