Hôm nay, ngày 8/4/2018, tại Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam đã tổ chức Ngày trải nghiệm ngành học kinh doanh, thu hút sự tham gia của gần 1.000 học sinh phổ thông trung học và các bậc phụ huynh.
Tại sự kiện này, 10 “lớp học thử” thú vị với đầy ắp hoạt động tương tác đã đem đến cho các bạn học sinh cấp 3 hình dung về một lớp học thật tại đại học RMIT Việt Nam, nơi không phải thầy nói trò ghi, mà là một lớp học hoạt náo với nhiều hoạt động, nơi thầy đặt ra các câu hỏi để khơi gợi sức sáng tạo và suy nghĩ độc lập của sinh viên.
Các lớp học tương tác với những cái tên hấp dẫn như Phòng giao dịch chứng khoán, Hòn đảo thiên đường, Lãnh đạo nhóm siêu anh hùng, Kinh doanh xuyên lục địa, Chiến lược gia cung ứng, Sếp lớn toàn cầu, Chi tiêu thông minh… đều chật kín chỗ.
Học sinh Âu Linh Chi, lớp 11 trường THPT Phúc Lợi chia sẻ: “45 phút tham gia lớp học tương tác “Sếp lớn toàn cầu” với em rất bổ ích, trong lớp học hôm nay có nhiều bạn đến từ Hàn Quốc, em học được ở các bạn kỹ năng làm việc nhóm rất hiệu quả”.
Cũng trong khuôn khổ Ngày hội trải nghiệm các ngành học kinh doanh, với mong muốn phần nào giải đáp băn khoăn của các phụ huynh và học sinh đối với vấn đề “Ra trường làm gì”, Đại học RMIT đã tổ chức tọa đàm “Hướng nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh” để giúp các bậc phụ huynh có những hiểu biết tổng thể về việc chọn ngành cho con dựa trên cá tính và thế mạnh của con mình.
Chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Hồ chia sẻ: “Điều quan trọng nhất không phải là xem ngành gì đang “hot” để học, vì nhu cầu thị trường sẽ thay đổi khá nhanh và liên tục, nhưng nếu con được trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết yếu thì khi thị trường thay đổi, con vẫn có thể tìm được một công việc tốt và phù hợp”.
Chị Nguyễn Vân Anh, một phụ huynh đến từ Hà Nội nói: “Băn khoăn lớn nhất của tôi là hướng nghiệp cho con. Hai mẹ con đã dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với nhau để tìm hiểu xem con phù hợp với ngành và nghề gì. Sau khi tham dự tọa đàm hướng nghiệp của cô Phoenix Hồ, hiểu về trắc nghiệm tính cách Holland, tôi nhận ra Kỹ thuật và Sáng tạo là thế mạnh của con mình. Vì vậy, hai mẹ con đang nhắm học chương trình Cử nhân Quản lý chuỗi cung ứng và logistic”.
Những chia sẻ của chuyên gia đã mở ra định nghĩa mới cho công thức tuyển dụng. Theo đó, sự tổng hòa của của kỹ năng thiết yếu, mạng lưới chuyên nghiệp và nhu cầu thị trường sẽ là công thức của tuyển dụng thành công.
Học sinh Âu Linh Chi cho biết “thu hoạch” lớn nhất khi đến với ngày trải nghiệm hôm nay là định hướng rõ ràng hơn về hướng nghiệp cho bản thân. “Trước đây em cứ nghĩ em chỉ mạnh về nghệ thuật, sau hôm nay phát hiện ra em có thiên hướng rõ nét về nghệ thuật và quản lý”, Âu Linh Chi chia sẻ.
Ngoài ra, Ngày trải nghiệm các ngành kinh doanh của Đại học RMIT Việt Nam còn mang đến cho học sinh và phụ huynh những thông tin hữu ích về các chương trình học bổng trong năm 2018, chương trình Chuyển tiếp và Trao đổi tới hơn 200 đối tác của Đại học RMIT ở hơn 40 quốc gia trên toàn cầu, triển lãm các dự án khởi nghiệp của cựu sinh viên, cùng thông tin hoạt động của hơn 20 câu lạc bộ sinh viên RMIT.