Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp cùng Chi hội tàu du lịch Hạ Long tổ chức đối thoại cùng các chủ tàu để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm du lịch trên vịnh Hạ Long.

Trước đó, Chi hội tàu du lịch Hạ Long đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động tàu du lịch đã gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng. Trong văn bản, đại diện, các đơn vị này trình bày khó khăn do nhiều lần đóng cửa từ năm ngoái đến nay. "Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ phá sản", văn bản nêu.

{keywords}
Tàu tham quan vịnh Hạ Long nằm dài trên bến cảng suốt hơn 15 tháng do không có khách. Ảnh: Quốc Nam.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Phượng, Chi hội phó Chi hội tàu Hạ Long, cho biết các doanh nghiệp đã lâm đường cùng và để cứu hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long nên chi hội phải làm đơn cầu cứu gửi đến Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp giải cứu cho doanh nghiệp làm du lịch.

“Hơn 15 tháng qua, các doanh nghiệp trong chi hội phải xoay mọi cách để có tiền nuôi nhân viên và trả các chi phí bảo dưỡng… Tuy nhiên, hàng tháng các chủ tàu vẫn phải trả tiền lãi cùng gốc vay ngân hàng chiếm tới 70% vốn đầu tư cho các con tàu. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Phượng nói.

Theo số liệu của Ban quản lý vịnh Hạ Long, tính từ thời điểm vịnh Hạ Long được phép đón khách trở lại vào ngày 8/6 đến nay, đơn vị làm thủ tục xuất bến cho 3 tàu phục vụ đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long.

Tàu đắp chiếu nhưng lãi ngân hàng vẫn phải trả

Ông Phạm Thanh Chiến, Giám đốc công ty Hạ Long Pacific, chia sẻ năm 2019 công ty vay ngân hàng để đóng mới 2 tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long trị giá 290 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2020 đi vào hoạt động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch đóng và đưa tàu vào khai thác phải lùi lại.

Dù tàu chưa hoàn thành và chưa có doanh thu từ kinh doanh nhưng hiện tại công ty vẫn phải trả mỗi tháng 1 - 2 tỷ đồng cho tiền gốc và lãi cho 2 con tàu này.

Tương tự, bà Đỗ Thị Nga, hộ kinh doanh cá thể tàu du lịch vịnh Hạ Long cho biết bà vay ngân hàng 4,5 tỷ từ năm 2018 để đầu tư đóng mới 2 con tàu. Tàu vừa hoàn thành thì dịch Covid-19 kéo đến khiến tài sản lớn của gia đình bà phải nằm bờ suốt hơn 15 tháng nay. Để có tiền trả lãi cho ngân hàng bà và chồng đã phải bán 2 ôtô và đứng ra vay cả “tín dụng đen”.

“Tôi vay tín dụng đen 136 triệu để trả lãi cho ngân hàng, mỗi tháng số tiền đó phát sinh ra thêm 9 triệu tiền lãi nên tôi phải xoay xở đủ cách để vừa trả lãi tiền vay vừa phải trả tiền gốc cho ngân hàng”, bà Nga nói.

Doanh thu không có cùng với tiền lãi vay, bà Nga vẫn phải xoay sở để dành số tiền hơn 20 triệu/tháng trả lương cho 4 người trông tàu. Ngoài ra, nhiều khoản tiền phát sinh trong khi tàu nằm bờ như phí sửa chữa, phí bến bãi và các khoản phí bắt buộc khác như đăng ký, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, thuế....

“Hàng trăm tỷ đầu tư vào tàu du lịch của chúng tôi giờ đang phải nằm đắp chiếu cạnh bờ vì không có khách để chạy. Thế nhưng, mỗi ngày mở mắt dậy chúng tôi vẫn phải nghĩ đủ cách để cuối tháng có tiền trả ngân hàng và cà khoản chi phí cho tàu nằm bờ”, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty CP thương mại và du lịch Hoàng Phương chia sẻ khó khăn với đại diện với các ngân hàng.

{keywords}
Bà Hằng trần tình với ngân hàng trước tình cảnh nợ vẫn phải trả còn tàu thì bị bán ép giá. Ảnh: Quốc Nam.

Bà Hằng cho biết, công ty vay 60 tỷ của tổ chức tín dụng để đóng mới tàu vỏ sắt nghỉ đêm trên vịnh, khi dịch Covid-19 bùng phát bà Hằng tính đến chuyện bán tàu để trang trải nợ nần. Tuy nhiên, con tàu đóng mới trị giá 60 tỷ, sau hơn 1 năm nằm bờ có doanh nghiệp đến trả giá xuống còn 30 tỷ.

“Tàu không chạy được nên không có tiền trả ngân hàng, khi muốn bán thì bị ép giá, cả 4 gia đình anh chị em của tôi chung nhau làm tàu du lịch đến giờ đều trong tình cảnh thất nghiệp”, bà Hằng nói.

Ông Bùi Công Hoan, Phó chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết tàu du lịch là một ngành đặc thù nên dù không đón khách vẫn phát sinh nhiều chi phí. Vào mùa du lịch có trên 6.000 lao động làm việc trên các tàu nhưng khi dừng hoạt động vẫn còn khoảng 3.000 lao động làm việc và doanh nghiệp phải chi trả nhân công trong khi không có nguồn thu.

Cần có giải pháp giãn nợ dài hơi cho doanh nghiệp phục hồi

Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc công ty Duyên Hải Hạ Long cho biết công ty có hơn 20 năm làm trong lĩnh vực tàu du lịch ở Hạ Long. Nhưng đến nay, bản thân ông và các doanh nghiệp làm tàu du lịch cảm thấy kiệt quệ khi phải bán toàn bộ tài sản tích lũy được để trả nợ các khoản vay ngân hàng đầu tư cho các dự án đóng tàu mà vẫn chưa hết nợ.

Ông Long đưa ra 4 giải pháp gửi tới ngân hàng để giúp doanh nghiệp thoát khỏi cảnh điêu đứng, gồm: Cơ cấu, giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch. Thời gian đề xuất giãn từ 10 - 15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Thủ tướng công bố hết dịch.

Trong thời gian dịch và sau 1 năm khi Chính phủ công bố hết dịch, ngân hàng không thu khoản lãi và gốc của các khoản vay phục vụ cho các dự án đóng tàu du lịch.

Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ cho vay vốn lưu động, vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp bởi sau thời gian chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt. "Một khoản vốn lưu động và ngắn hạn thực sự có ý nghĩa giúp doanh nghiệp khởi động lại hoạt động kinh doanh thuận lợi", ông Long nói.

{keywords}
Dù mở cửa hoạt động trở lại nhưng tàu tham quan vịnh vẫn xếp hàng dài trên bến cảng. Ảnh: Quốc Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn được phía ngân hàng hỗ trợ khoản vay với lãi suất ưu đãi nhất để doanh nghiệp tập trung tái phục hồi lại hoạt động kinh doanh và trang trả các khoản nợ trước đó.

Nói thêm về các giải pháp, ông Chiến, Giám đốc công ty Hạ Long Pacific mong muốn ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp giãn nợ hoặc cơ cấu lại khoản nợ. Trong trường hợp đủ điều kiện, doanh nghiệp kinh doanh tiếp hoặc bán lại tài sản để trả nợ cho ngân hàng.

“Thực tế tài sản của chúng tôi là tài sản có giá trị, nếu ngân hàng không cơ cấu lại khoản vay dẫn đến doanh nghiệp bị nợ xấu và không thể tiếp tục vay vốn kinh doanh để tái phục hồi”, ông Chiến nói.

Đồng tình quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc công ty CP thương mại và du lịch Hoàng Phương, cho biết tài sản mang ra thế chấp chính là những con tàu đã đóng xong và có giá trị cao gấp nhiều lần so với những khoản vay. Trước khi gặp khó khăn, doanh nghiệp luôn trả nợ theo đúng thời hạn để không để ảnh hưởng đến khả năng tín dụng của doanh nghiệp.

“Tôi mong muốn ngân hàng cơ cấu lại khoản vay hoặc giãn thời gian trả nợ để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục trả nợ cho ngân hàng”, bà Hằng nói và lấy ví dụ giả sự khoản vay của công ty bà phải trả nợ trong 8 năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 doanh nghiệp không làm ăn được, ngân hàng có hình thức khoanh nợ, giãn nợ thêm 2 - 3 năm để doanh nghiệp bù lại 2 năm dịch bệnh và thêm 1 năm để phục hồi.

Các doanh nghiệp cần trích lập quỹ dự phòng rủi ro

Theo báo cáo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, hiện tại có 22 ngân hàng trong khối tính dụng tại Quảng Ninh đã cho 240 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vay tổng cộng 1.876 tỷ để đầu tư mua, đóng mới các tàu du lịch.

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng đều thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp làm du lịch nói chung và các doanh nghiệp tàu du lịch tại Hạ Long nói riêng. Tuy nhiên, ông Đoan cho rằng, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cần có sự tính toán cụ thể hơn.

“Các doanh nghiệp đã không làm ăn được thì ngân hàng phải trích tiền lãi và lợi nhuận khoản vay của ngân hàng vào chi phí dư nợ rủi do dẫn đến giảm lương thưởng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cũng phải tính toán kỹ lưỡng trong quá trình kinh doanh để có kế hoạch duy trì dài hơi hơn”, ông Đoan nói.

Ngoài ra, ông Đoan yêu cầu những kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng phải tiếp thu, nghiên cứu và có ý kiến trả lời cho doanh nghiệp. Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Chi hội tàu du lịch Hạ Long và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh theo đúng thầm quyền.

“Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền, Ngân hàng nhà nước sẽ tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành và báo cáo với Ủy ban tỉnh Quảng Ninh để tìm cách tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp”, ông Đoan nói.

Theo thống kê của Chi hội tàu du lịch Hạ Long, trên Vịnh Hạ Long có khoảng 500 tàu du lịch hoạt động, trong đó có 187 tàu du lịch nghỉ đêm, còn lại là tàu tham quan. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long gần như bị ngừng hoặc rất ít tàu đón rải rác lượng khách nội địa. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các tàu buộc phải nằm bờ nhưng lại phát sinh ra nhiều khoản chi phí, trong đó có tiền lãi và gốc ngân hàng phải trả định kỳ khiến các chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản.

(Theo Zing)

Ồ ạt rao bán tàu du lịch vịnh Hạ Long

Ồ ạt rao bán tàu du lịch vịnh Hạ Long

Những đợt COVID-19 liên tiếp khiến ngay cả các chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long có tiềm lực cũng than kiệt sức và đành rao bán tàu với giá rẻ. Nhưng không phải ai cũng bán được.