Gánh tàu hũ gần 30 năm
Ngày trước, hồi còn ở quê nhà Quảng Ngãi, cô Hiệp làm nghề may một thời gian, nhưng cuộc sống lại quá khó khăn, nghèo túng trong khi gia đình đông anh chị em. Lúc ấy, cô Hiệp vào Sài Gòn với mong muốn tìm kế sinh nhai để có tiền giúp đỡ gia đình.
Khi ấy cô Hiệp mới 25 tuổi, lang thang mảnh đất Sài Gòn rộng lớn này mà không biết phải làm gì để kiếm tiền. May mắn là hồi trước mẹ của cô Hiệp cũng đã từng bán tàu hũ tại quê nhà nên cô biết cách làm và quyết định bán mặt hàng quà này.
Trải qua gần 30 năm, gánh tàu hũ của cô Hiệp đã trở thành một điểm dừng chân quen thuộc của biết bao thế hệ. Thậm chí, đây còn là ký ức tuổi thơ của biết bao người.
"Mỗi ngày từ 2h, cô đã dậy chuẩn bị đậu rồi nấu đến tầm 5h thì xong để 6h mở hàng. Cô bán từ 6h - 18h thì dọn hàng. Lúc trước, cô không bán ở một chỗ cố định mà đi dọc các trường gần hẻm này để bán. Mãi đến tầm 5 năm nay, sức khỏe của cô không còn tốt nên cô bán cố định trong hẻm số 284 này", cô Hiệp tâm sự.
Thực khách của cô Hiệp hầu như đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ con được mẹ chở ra ăn đến những nhân viên văn phòng, hoặc những người đã có tuổi, tóc đã muối tiêu cũng tìm đến, nhưng phần đông là các bạn trẻ, học sinh từ các trường lân cận tìm đến.
"Việc buôn bán thì lai rai không ổn định, có lúc khách đến mua tấp nập, cô không bán kịp; còn có những bữa cô ngồi đây từ sáng đến chiều cũng chỉ bán được tầm hơn chục ly. Nhưng mà thời điểm cô đông khách nhất tầm 16h - 17h vì lúc đó học sinh tan trường, ghé vào ăn chén tàu hũ rồi lại đi học thêm tiếp", cô Hiệp vui vẻ kể.
Cô Hiệp còn nói thêm, vì bán chủ yếu cho học sinh nên cô thường tự chế biến nguyên liệu chứ không mua sẵn. Như các hạt trân châu thì cô nấu từ bột năng, nước đường thì cô dùng đường nâu nấu trực tiếp, nước cốt dừa cũng do cô tự nấu.
Mỗi ngày, cô Hiệp bán khoảng 10kg đậu. Nếu hôm đó khách đông thì cô tranh thủ nấu thêm 2kg nữa để bán. Ngày đầu mới bán, mỗi chén tàu hũ có giá 1.000 đồng, về sau lên 2.000, 5.000 và hiện tại là 6.000 đồng một chén. Tuy bán rất đông khách nhưng cũng chẳng lời được bao nhiêu, cuộc sống cũng chỉ đủ tiền trả tiền phòng trọ, chi tiêu mỗi tháng.
"Không dám nghỉ bán vì nhớ khách…"
Để có được chén tàu hũ ngon, cô Hiệp cho biết một bí quyết, đó là: Cứ 3 tháng, cô sẽ về Quảng Ngãi để lấy đậu nành. Mỗi đợt như vậy vận chuyển từ 6 đến 7 tạ. Vì theo cô, hạt đậu nành ở quê nấu chín sẽ béo hơn, ngon hơn nhiều hạt đậu mua ở đây.
Những năm gần đây, sức khỏe của cô Hiệp ngày càng yếu đi nên không thể tự bán một mình như trước. Chồng cô là chú Huỳnh Ngọc Trung, 56 tuổi, ra phụ rửa chén, bưng bê, dọn dẹp, sắp xếp chỗ cho khách ngồi ăn.
"Cô cũng bệnh tật nhiều, bác sĩ không cho làm các việc nặng, nhất là tiếp xúc với mặt trời nhiều, nhưng mà cô không dám nghỉ bán một ngày vì nhớ khách, nhất là các bé học sinh, nhiều đứa ở xa lắm nhưng chiều nào cũng chạy qua đây ăn ủng hộ. Cô xem tụi nhỏ như con cháu ở nhà nên ngày nào cũng trông ngóng", cô Hiệp tâm sự.
Cô Hiệp cho biết thêm, chính vì một phần là căn bệnh này mà số tiền bán được dùng mua thuốc than cho cô hết nên cũng chẳng dư giả được đồng nào. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lượng khách của cô cũng giảm hơn trước.
"Cũng may, từ đầu năm đến nay, cô đã tiết kiệm được số tiền nhỏ để về quê ăn tết cùng gia đình, tết năm nay gia đình cô cũng sẽ ăn uống gói ghém cho qua cái tết", cô Hiệp tâm sự.
Bản thân cô Hiệp có một điều ước, đó chính là đất nước mau hết dịch để mọi thứ phát triển bình thường lại, đồng thời cô cũng sẽ có một sức khỏe tốt, gắn bó với gánh tàu hũ này càng lâu càng tốt để có thể được gặp các vị khách mỗi ngày.
(Theo Dân Trí)