Trong ngổn ngang cản trở, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng là chuyện khó tin, rất đáng trân trọng. Chúng ta có đủ thiên thời, địa lợi nhưng thiếu nhân hòa nên du lịch cứ lẹt đẹt sau thiên hạ, như chim cánh cụt, bất lực nhìn đại bàng các nước vỗ cánh bay xa.
Ngành du lịch ở nước ta sinh sau đẻ muộn. Tại miền Nam trước đây, Sở Du lịch Quốc gia thành lập năm 1951. Ở miền Bắc, năm 1960 có công ty du lịch đầu tiên. Mãi đến năm 1978, đất nước thống nhất được ba năm, Tổng cục Du lịch mới được thành lập.
Thời bao cấp, du lịch là thứ xa xỉ, chỉ dành cho người nước ngoài. Công nhân viên nhà nước, năm thì mười họa được công đoàn tổ chức tham quan hoặc tập trung để ăn uống bồi bổ. Còn dân thường thì chịu. Thời đó, không có sở du lịch mà có công ty ăn uống, về sau ghép hoạt động khách sạn vào công ty này, dù mỗi tỉnh chỉ có vài khách sạn, còn gọi là nhà nghỉ, nằm ngay bến xe hoặc bến tàu.
Khi sự kiện nhật thực toàn phần xảy ra năm 1995, cả Phan Thiết có chưa đến 100 phòng nghỉ, từ nhà trọ đến khách sạn hai sao, để đón khách. Năm 1994, khi chúng tôi nhờ góp ý kế hoạch thành lập Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt, nhiều bậc đàn anh đã thật lòng khuyên: “Sao không làm tour cho nước ngoài? Chỉ vài chục khách là sống khỏe mấy tháng. Làm nội địa chi cho cực”. Chúng tôi thì nghĩ đơn giản: “Không ai làm nội địa thì mình làm. Khách nội lúc nào cũng có sẵn”.
Sau vài năm thể nghiệm, hoạt động của Lửa Việt có hiệu quả cao, thế là nhiều nơi đổ xô làm nội địa, công ty nào cũng có phòng dã ngoại, kể cả các đại gia. Từ đó đến nay, Lửa Việt sống khỏe nhờ nội địa, tuy hơi vất vả, chẳng sợ dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế. Kết quả kinh doanh năm rồi, nội địa tăng hơn gấp đôi, thừa sức bù lại phần thiếu hụt của quốc tế.
Thung lũng tình yêu - Một điểm tham quan ở Đà Lạt |
Dù hội nhập đã gần 30 năm nhưng du lịch Việt Nam cứ ì ạch, từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á xét trên doanh thu và xếp thứ 5 về lượng khách, trên Philippines.
Sính ngoại là thuộc tính của người Việt, từ tiêu dùng cho đến dịch vụ và cả giáo dục. Hàng nội và khách nội luôn chịu số phận hẩm hiu, chẳng những không được nâng đỡ, khuyến khích mà còn bị phân biệt đối xử. Không chỉ dừng lại ở nhận thức mà cụ thể trong luật lệ. Luật hiện hành quy định thuế doanh thu du lịch nội địa là 10% nhưng quốc tế (outbound) là 0%. Hướng dẫn viên du lịch quốc tế bắt buộc phải có bằng đại học, nhưng nội địa thì chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, trình độ chênh lệch như thầy và trò.
Trong khi đó các nước luôn ưu đãi nội địa và khách quốc tế vào (inbound) hơn khách trong nước ra nước ngoài (outbound). Hướng dẫn viên nội địa hay quốc tế đều được đào tạo kiến thức và nghiệp vụ như nhau, chỉ khác phần ngoại ngữ.
Cùng làm du lịch nhưng hoạt động khách sạn – nhà hàng có tiêu chí quản lý cụ thể, còn lữ hành thì nói chung chung là chỉ cần vài năm kinh nghiệm (kinh nghiệm gì thì… không rõ). Hướng dẫn viên quốc tế buộc phải có bằng đại học, nhưng giám đốc lữ hành không quy định trình độ học vấn nên ai làm cũng được. Việc quản lý lỏng lẻo, các công ty lữ hành cứ nở rộ như nấm sau mưa, thật giả lẫn lộn nên khách hàng lãnh đủ.
Cùng ngành, nhưng khách sạn – nhà hàng, vận chuyển và các điểm tham quan thường hè nhau làm khổ lữ hành. Tăng giá – không thèm báo trước chứ đừng nói tham vấn. Mùa cao điểm, không chỉ tăng giá mà còn giữ phòng, giữ vé để bán riêng với giá cao hơn. Lữ hành hỏi, hết phòng, hết vé máy bay, xe lửa… nhưng khách lẻ đi riêng hỏi thì “vô tư”. Nạn đầu cơ phòng, đầu cơ vé máy bay mùa cao điểm ai cũng biết nhưng đành chấp nhận sống chung với lũ vì không thể khác hơn, còn nhà quản lý thì không muốn làm khác.
Mùa cao điểm, lữ hành phải giữ phòng, có khi trước cả năm, giữ vé trước mấy tháng và phải đặt cọc, thậm chí phải trả trước. Trước ngày khởi hành vài tháng, tùy loại hình, không bán được coi như lãnh đủ, mất toi tiền cọc mấy trăm triệu là chuyện thường. Nếu trả sớm quá thì sợ đến khi khách mua lại không có, nhiều công ty lữ hành đành mạo hiểm như đánh bài, năm ăn năm thua, trong khi khách sạn, hàng không và xe lửa vẫn có thể bán ra, lời đẻ thêm lời.
Vì thế có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, mùa cao điểm đóng cửa ngồi chơi vì “làm bao nhiêu, khách sạn – nhà hàng và vận chuyển ăn hết, lơ mơ lỗ sập tiệm”.
Khách sạn – nhà hàng luôn ghi rõ phần chế tài lữ hành khi hủy hoặc không sử dụng dịch vụ nhưng không có chữ nào chế tài ngược lại nếu hợp đồng bị vi phạm. “Dùi đánh đục, đục đánh săng”, lữ hành ép lại du khách. Một vòng luẩn quẩn.
Gần đây, khi nguồn khách inbound giảm sút, lãnh đạo ngành mới giật mình tìm cách đẩy mạnh du lịch nội địa để bù đắp. Khuyến mãi và kích cầu rầm rộ nhưng hiệu quả chẳng thấm vào đâu, bởi chỉ làm phần ngọn. Vận chuyển, khách sạn, điểm tham quan và cả nhà hàng, giảm giá cỡ nào cũng không lỗ. Chi phí vận hành, trả lương của hoạt động vận chuyển, khách sạn và điểm tham quan không thứ nào vượt quá 30%; nhà hàng thì cao hơn, tối đa 50% nên bán giá nào cũng lời, chỉ khác là việc khấu hao vốn đầu tư sẽ chậm hơn mà thôi.
Trong khi lữ hành bình quân chỉ có thể lời trên tour chừng 10 – 15%, làm cao hơn sẽ bị đối thủ loại bỏ. Tiền lời đó còn phải trả lương văn phòng, thuê mặt bằng, thuế, điện nước, giao tế… nên lãi ròng, tiết kiệm lắm cũng chỉ đạt từ 2 – 4%. Vậy mà kích cầu cứ trút xuống đầu lữ hành, yêu cầu giảm giá vài chục phần trăm là chuyện không tưởng.
Lữ hành, trước hết là nội địa, còn bị đủ thứ nỗi khổ bủa vây, thập diện mai phục khắp chốn. Từ giao thông hỗn loạn và “anh hùng núp” rình rập, đến tệ nạn ăn xin đeo bám và bán hàng rong chèo kéo, đôi khi còn móc túi du khách. Từ cướp giật lộng hành đến nạn giá cả chặt chém và trấn lột du khách đủ dạng. Từ vệ sinh thực phẩm đến vệ sinh môi trường, từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng dịch vụ.
Đáng buồn nhất là thái độ phục vụ, thua xa các nước nghèo hơn chúng ta. Sản phẩm thì nghèo nàn, trùng lặp, phổ biến là copy tour của nhau. Quà tặng riêng gần như không có, còn đặc sản địa phương thì biến dạng méo mó đến kinh ngạc. Cạnh tranh theo luật rừng, kiểu mạnh ai nấy làm.
Do quản lý kém nên ai cũng tự đứng ra làm tour được, từ các vị tu hành cho đến những người thất nghiệp, trốn thuế. Cạnh tranh sòng phẳng không được thì phá giá để tồn tại qua ngày, như tắc kè ăn đuôi của mình. Giá cả đắt đỏ do thuế cao và vì phải nuôi bộ máy quá cồng kềnh mà kém hiệu quả.
Chênh lệch giá khách sạn ở Việt Nam có thể gấp tới bốn lần tùy theo vùng. Trong khi đó Campuchia chưa có lưới điện quốc gia, giá điện gấp 10 lần Việt Nam vì phải dùng máy phát điện riêng, xăng thì đắt hơn 25 – 30%, vậy mà giá phòng ở Siem Reap chỉ bằng 40 – 50% Việt Nam. Giá cả và chất lượng tour nội địa và nước ngoài quá chênh lệch thì khó mà đòi hỏi “Người Việt dùng hàng Việt”, kể cả kêu gọi lòng yêu nước.
Những thực trạng trên ai cũng thấy, dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều ngạc nhiên là giáo trình du lịch vẫn dạy sinh viên về những điểm mạnh – yếu đã lỗi thời. Điểm yếu của du lịch Việt Nam ai cũng kể được, chỉ hơi khác, chưa chỉ rõ yếu kém là do con người. Còn các điểm mạnh cứ phổ biến là “ổn định chính trị” (nhưng an ninh xã hội lại rất kém), “nhiều lễ hội” (hơn 8.000 lễ hội mà có người đã gọi đó là thảm họa). “Nhiều di sản thế giới” (Singapore không có di sản thế giới nào, dân số bằng 1/18, diện tích chưa bằng 1/470 nhưng đón lượng khách quốc tế gần gấp đôi chúng ta). “Nhiều dân tộc anh em” nên văn hóa đa dạng (Việt Nam có 54, Philippines có 150, còn Indonesia có 350). “Bờ biển dài và đẹp” (biển Việt Nam bằng 1/9 Philippines và 1/13 Indonesia). Có nơi còn dạy là “nhân dân ta có truyền thống yêu nước và lao động cần cù” (nước nào cũng vậy)…
Điểm mạnh nhất của du lịch Việt Nam là ẩm thực, nét độc đáo nhất của văn hóa Việt Nam là áo dài và nón lá thì ít ai nói đến, kể cả người trong ngành. Tiếp theo mới đến tài nguyên đa dạng.
Trong ngổn ngang cản trở, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng là chuyện khó tin, rất đáng trân trọng. Chúng ta có đủ thiên thời, địa lợi nhưng thiếu nhân hòa nên du lịch cứ lẹt đẹt sau thiên hạ, như chim cánh cụt, bất lực nhìn đại bàng các nước vỗ cánh bay xa.
Du lịch Việt muốn tăng tốc phải giải quyết bằng được khâu yếu nhất là con người. Cần sớm thay đổi cung cách quản lý từ trung ương đến từng địa phương và tư nhân hóa ngành du lịch. Nếu chỉ làm một vế thì khập khiễng, hiệu quả có khi ngược lại. Bắt đầu từ việc sửa luật, chú trọng đào tạo nhân lực và quyết liệt tuyên chiến với các tệ nạn xã hội.
Cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ phải có thời gian và vốn đầu tư. Các doanh nghiệp ngành du lịch phải ngồi lại, hợp lực để phát triển, không tự làm khổ nhau như lâu nay. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa phải đi tiên phong, làm nền tảng vững chắc cho việc đón khách nước ngoài đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.
Người Việt phải thích dùng hàng Việt trước, mới có thể mời bạn bè nước ngoài dùng thử. Mình chưa dám xài hàng của mình, sao thiên hạ dám xài? Dĩ nhiên là hàng nội chất lượng phải cao, thậm chí hơn hàng ngoại.
Du lịch cũng vậy. Phải bắt đầu từ du lịch nội địa có chất lượng thì mới bền vững. Cần dọn dẹp và sửa sang nhà cửa tươm tất, trước khi mời bè bạn ghé chơi. Nghèo cũng chưa đáng sợ mà sợ nhất là nghèo mà ở dơ, thiếu chân tình và kém văn hóa.
Suy cho cùng thì du lịch Việt Nam nên chọn slogan là “Vietnam is your home” – vừa là một cách tiếp thị về sự hiếu khách vừa là sự quyết tâm làm vừa lòng du khách.
Nguyễn Văn Mỹ (DNSGCT)
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại