Nói chuyện với thầy trò Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, GS.TS Lưu Lệ Hằng – nữ khoa học gia người Mỹ gốc Việt – cho biết bà rất vui khi được trở về Việt Nam và được gặp gỡ, trò chuyện với các nhà khoa học trong nước cũng như các sinh viên yêu khoa học.

“Tôi thấy những buổi nói chuyện của tôi ở các trường đại học, sinh viên tới rất đông, chứng tỏ sinh viên Việt Nam rất yêu khoa học. Đó là một điều tốt. Dĩ nhiên, tôi rất mong được quay trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Trong lần trở về này, mọi người đối xử với tôi rất tốt” – bà chia sẻ.

“Việt Nam rất đẹp. Các bạn nên giữ gìn vẻ đẹp của đất nước. Có một câu nói như thế này ‘Đất đai là chúng ta mượn của con cháu, nên chúng ta phải giữ gìn cho con cháu’” – nhà khoa học khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh trả lời khi được hỏi cảm nhận về Việt Nam khi trở về.

GS.TS Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 tại Sài Gòn. Bà cùng gia đình sang Hoa Kỳ sinh sống từ năm 1975 – năm bà 12 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Vật lý tại ĐH Stanford, bà làm tiến sĩ tại ĐH California, Berkely. Bà từng làm việc tại phòng thí nghiệp Jet Propulsion của NASA.

Sau khi học xong tại Berkely, bà đến làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Sau 5 năm quan sát, nhóm của bà khám phá ra vành đai Kuiper với 70 ngàn thiên thạch.

Năm 27 tuổi, bà giảng dạy tại ĐH Harvard, rồi tới ĐH Leiden ở Hà Lan. Khi quay lại Mỹ, bà làm việc trong Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT.

Năm 1991, Hội Thiên văn Mỹ trao tặng bà Giải thưởng Annie J.Cannon về Thiên văn học. Để ghi nhận đóng góp của GS.TS Lưu Lệ Hằng trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, một hành tinh được đặt tên theo tên của bà là 5430 Luu.

Năm 2012, bà được nhận hai Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli – những giải thưởng được coi là Nobel trong lĩnh vực thiên văn học.

Những quan sát và nghiên cứu của bà và đồng nghiệp đã đi tới một kết quả làm thay đổi đáng kể quan điểm của giới khoa học về Hệ Mặt Trời. “Hệ Mặt Trời đã chuyển từ trạng thái được cho là hiểu khá rõ sang không hiểu rõ bất cứ điều gì. Liệu đây có phải là một điều tốt hay không? Tôi cho là có. Bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta còn có thể mong chờ nhiều khám phá hơn nữa” – bà nói với sinh viên ĐH Bách Khoa.

GS cho biết hiện tại bà không còn nghiên cứu trong lĩnh vực thiên văn nữa, mà đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia Mỹ. “Làm mãi một công việc từ năm này sang năm khác thì rất chán. Quan trọng hơn, thay đổi là một điều tốt” – bà nói.

Tuy nhiên, với những du học sinh Việt Nam muốn nghiên cứu về thiên văn học, dù không thể giúp đỡ trực tiếp, bà vẫn sẵn sàng cho lời khuyên.

Điều sau cùng và quan trọng nhất bà muốn nhắn nhủ với sinh viên Việt Nam sau những buổi nói chuyện như thế này: “Tôi được mời tới đây là nhờ tôi có một số giải thưởng. Tôi làm được điều này thì các bạn cũng có thể. Hãy tìm ra cái mà các bạn thích và đam mê. Luôn luôn hỏi rằng làm như thế này đã đúng chưa, đã phải là tốt nhất chưa, đừng bị giới hạn bởi những cách làm truyền thống, mà hãy tìm ra những cách mới”.

Một số hình ảnh tại buổi nói chuyện của GS.TS Lưu Lệ Hằng với sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội:

{keywords}
GS.TS Lưu Lệ Hằng chào các nhà khoa học, nhà giáo tới tham dự buổi thuyết trình mang tên “Cách nhìn mới về Hệ Mặt Trời” diễn ra tại hội trường ĐH Bách Khoa Hà Nội ngày 24/7.
{keywords}
Buổi nói chuyện thu hút khoảng 500 giảng viên, sinh viên, học sinh THPT tới tham dự.
{keywords}
Buổi thuyết trình của bà kéo dài trong khoảng 2 giờ với sự trợ giúp phiên dịch của một nữ Tiến sĩ.
{keywords}
Sinh viên ĐH Bách Khoa rất hào hứng đặt câu hỏi cho GS.TS Lưu Lệ Hằng, mặc dù một số câu hỏi khiến bà bật cười sảng khoái.
{keywords}
Hầu hết sinh viên đều đặt câu hỏi bằng tiếng Anh.
{keywords}
Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt nữ khoa học gia gốc Việt.
{keywords}
Cùng ngày 24/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp GS.TS Lưu Lệ Hằng tại Trụ sở Chính phủ. Ông đánh giá cao và chúc mừng những thành công của bà trong nghiên cứu khoa học thiên văn.

Nguyễn Thảo – Phạm Hải