- Hiện vụ việc đang được công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở rộng điều tra. Tuy nhiên, diễn biến cho thấy việc xử lý 2 người có liên quan, trong đó có một công dân Mỹ, không hề dễ dàng.

Đang điều tra, xử lý

Liên quan đến vụ “Người phụ nữ Indonesia kêu cứu vì chồng cũ “lừa” bắt con tại VN” như VietNamNet đã thông tin, nguồn thông tin từ Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay: đang trong quá trình củng cố hồ sơ, thu thập chứng cứ để xử lý ông Kark Leonhard Werner (SN 1978, quốc tịch Mỹ) và Nguyễn Phương Quỳnh (SN 1989, quê Bạc Liêu, là người được cho là có mối quan hệ tình cảm với ông Kark) về hành vi “trộm cắp tài sản”.

{keywords}
Mẹ con bà Ela (chính giữa) đang tạm trú tại Lãnh sự quán Indonesia

Riêng về hành vi “chiếm đoạt trẻ em” của 2 người này, công an cũng đang tiếp tục làm rõ.

Theo đó trong những ngày qua, tổ công tác của công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có mặt tại TP.HCM phối hợp với luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (đoàn luật sư TP.HCM - người bảo vệ quyền lợi cho bà Ela) để thu thập chứng cứ.

Cụ thể, tổ công tác liên hệ với 2 ngân hàng để đề nghị được cung cấp các đoạn clip do camera an ninh đặt tại các điểm giao dịch bằng thẻ ATM, tình nghi là ông Kark hoặc bà Quỳnh đã đến để mua hàng, sử dụng các thẻ tín dụng đã đánh cắp được của bà Ela.

Được biết, đến nay cơ quan công an đã nhiều lần lấy lời khai của ông Kark, bà Quỳnh. Hai người được công an cho về, yêu cầu vẫn ở tại Việt Nam, để khi cần mời làm việc, công an có thể liên lạc dễ dàng.

Riêng bà Ela Herawati (SN 1980, quốc tịch Indonesia) từ khi tìm thấy con, là cháu Cecilia Ardisoma Werner (SN 2000) đến nay đã chuyển đến lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM để tạm lưu trú, chờ giải quyết xong vụ việc.

Bà Ela cho biết, “tôi chỉ muốn có con ở bên cạnh, giờ cháu đã về bên tôi rồi. Khi nào giải quyết xong vụ việc, mẹ con tôi sẽ rời Việt Nam, quay lại cuộc sống bình thường như trước đây”.

Nguồn tin từ công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm, đã có văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, đề nghị tạm không cho xuất cảnh đối với 3 người liên quan là ông Kark, bà Ela và cả cháu Cecilia.

Như VietNamNet đã thông tin, giữa năm 2014 ông Kark và bà Ela ly hôn sau 6 năm chung sống. Tòa án Indonesia phán quyết bà Ela được quyền nuôi con - cháu Cecilia, là con chung của 2 người.

Đầu tháng 7/2015, ông Kark liên hệ đề nghị bà Ela đưa con sang Việt Nam cho ông gặp mặt. Sau đó, ông Kark được cho là có sự giúp sức của bà Quỳnh lập mưu, bắt cóc cháu Cecilia tại một khách sạn ở Vũng Tàu. Khi con bị bắt, bà Ela cũng bị mất đi một số tài sản đáng kể.

{keywords}
Bà Ela trong một tháng trời lang thang, phát tờ rơi tìm con...

Gần 1 tháng bà Ela đã đi khắp nơi, phát tờ rơi tìm con. Câu chuyện của bà Ela tìm con đã lay động cộng đồng mạng; có nhiều bạn trẻ đã tham gia hỗ trợ...Đến đầu tháng 8/2015, mẹ con bà Ela đã được đoàn tụ với nhau.

Gây cấn về pháp lý

Vụ việc nói trên được cho là kỳ lạ, hiếm gặp... Cụ thể, ông Kark quốc tịch Mỹ, bà Ela quốc tịch Indonesia; còn con của họ, là cháu Cecilia, có song tịch. Tuy nhiên diễn biến vụ việc lại xảy ra tại Việt Nam; cho nên gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong tiến trình giải quyết.

Một số luật sư đã phân tích về góc độ pháp lý xung quanh vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Mặc dù cháu bé là con ruột của ông Karl nhưng theo bản án của tòa án ở Indonesia thì quyền nuôi dưỡng cháu bé là do người mẹ. Thế nên, việc ông Karl và bà Quỳnh có những hành vi dàn cảnh, đánh lừa bà Ela để bắt cháu bé là đã vi phạm pháp luật. Nhưng để có căn cứ khởi tố vụ án về hành vi "Chiếm đoạt trẻ em", cơ quan CSĐT cần làm rõ hành vi của các đối tượng trên bắt cháu bé nhằm mục đích và động cơ gì? Vai trò của bà Quỳnh, ông Karl như thế nào? Ai là người khởi xướng và lên kế hoạch? Nếu công an chứng minh được mục đích của việc bắt cháu bé là vì động cơ xấu thì có thể khởi tố vụ án về tội "chiếm đoạt trẻ em".

{keywords}
Việc xử lý ông Kark và đồng phạm là bà Quỳnh, trong việc “chiếm đoạt” cháu Cecilia là không dễ dàng...

Tuy nhiên, nếu ông Karl chứng minh mục đích bắt cháu bé là vì quá thương và nhớ con nên muốn mang cháu về nuôi thì thật sự là khó xử lí hình sự đối với trường hợp này, vì dù sao ông cũng là cha ruột của đứa bé. Do vậy chỉ cần xử phạt hành chính về hành vi đó là đủ”.

Cũng theo luật sư trên, đối với việc bà Ela bị mất cắp tài sản tại khách sạn và tiền trong thẻ tín dụng, nếu công an chứng minh được người lấy cắp là ông Kark và bà Quỳnh thì đủ cơ sở để xử lý các đối tượng về hành vi “trộm cắp tài sản”.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Trường (đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, về hành vi trộm cắp của ông Kark và bà Quỳnh (nếu đủ chứng cứ), cơ quan công an có thể dễ dàng xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam.

Riêng hành vi “chiếm đoạt trẻ em”, luật sư Trường phân tích thêm: “Cần phải xem xét lại, vì ông Kark và bà Ela đều là công dân nước ngoài; cộng với những tình tiết liên quan tới việc họ đã ly hôn, việc giải quyết về con chung...nên cơ quan điều tra Việt Nam rất khó điều tra, xử lý về tội này. Việc điều tra, giải quyết phải dựa trên luật pháp của đất nước nơi họ là công dân và các quy định về “tương trợ tư pháp” giữa Việt Nam và các nước đó.

"Nếu khó khăn trong việc xử lý ông Kark về tội này, giả định rằng ông ta là kẻ chủ mưu thì việc xử lý đồng phạm là bà Quỳnh cũng gặp khó khăn” - luật sư Trường nhạn định.

Đàm Đệ