Thiên nhiên đã kiến tạo và ban tặng cho Hòa Bình hệ thống thổ nhưỡng, khí hậu giàu chất dinh dưỡng để các loại cây có múi ăn sâu, bám rễ vào lòng đất, dâng cho đời những trái bưởi tỏa hương thơm ngát với màu sắc bắt mắt, vỏ vàng, đỏ ruột, ăn có vị ngọt thanh như tấm lòng chân chất của người dân nơi đây.
Đã không ít hộ trồng cây có múi ở Hòa Bình đã trở thành tỷ phú.
Ở tuổi 25, Nguyễn Cao Khuê (SN 1996, Sơn Tây, Hà Nội) là chủ của một trang trại trồng cam, bưởi tại Hòa Bình. Trang trại có diện tích 32,9ha được Khuê thuê lại trong vòng 15 năm để trồng cây ăn quả.
Tùy theo thời điểm và tính chất công việc, có khoảng 8 - 20 nhân công làm việc tại trang trại. Ngoài ra, Khuê cũng mở văn phòng tại Hà Nội với 5 nhân viên để xử lý các đơn hàng, tiêu thụ cam, bưởi. Doanh thu năm 2019-2020 của họ là hơn 2 tỷ đồng.
Khuê chia sẻ, người ta nói nhiều đến vấn nạn thực phẩm bẩn, khách hàng có tiền nhưng không biết mua thực phẩm sạch ở đâu. Muốn tạo ra những sản phẩm sạch mang thương hiệu Việt nên hè năm 2015, anh cùng bố thuê đất ở Hòa Bình để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nhưng lần khởi nghiệp đầu tiên, anh nhận về thất bại lớn.
Cao Khuê trong trang trại cam ở Hòa Bình. |
“Trong vòng 3 năm, tôi và bố bị thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng với các chi phí cây giống, vật tư nông nghiệp, đầu tư cho đường sá, máy móc…”, anh kể.
Năm 2017, Khuê bắt tay làm lại từ đầu. Việc đầu tiên Khuất Cao Khuê làm là học lại toàn bộ kiến thức và kỹ năng để chăm 1 cây cam. Anh tìm tài liệu nước ngoài - những nước đi đầu về nông nghiệp hữu cơ như Hà Lan, Mỹ… để học hỏi. Không chỉ học kiến thức nước ngoài, một mình với chiếc xe, anh rong ruổi khắp Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang… để tìm giống cây.
Sau đó, chàng trai Hà Nội cố gắng xây dựng quy trình sản xuất hoàn chỉnh cho cây. Thay vì sử dụng phân bón nhân tạo, Khuê tiến hành trồng cỏ, cắt và ủ thành phân hữu cơ để bón.
“Đây là hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên, chúng tôi tận dụng cỏ, rác ủ thành phân cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nhờ vậy, sức đề kháng của cây cao hơn và tuổi thọ của cây cũng dài hơn”.
Thay vì thuê người làm và “chỉ tay năm ngón” như trước, lần này chàng quý tử thành phố cũng lên nương làm việc cùng những người nông dân. Một vụ cam kéo dài 4 tháng, 8 tháng còn lại Khuê dốc sức chăm sóc, nuôi dưỡng cây. Theo anh, mỗi cây cam cho trái như người mẹ sinh con.
Khi có sản phẩm, Cao Khuê tiếp tục xây dựng đội ngũ bán hàng, xây dựng về marketing, thương hiệu… Anh muốn người tiêu dùng ấn tượng về thương hiệu Việt này và bắt đầu nhận được những phản hồi tốt về sản phẩm của mình.
“Đó là một khách hàng người Pháp. Ông ăn thử cam của chúng tôi và nói rằng, vị cam này giống với cam ngày xưa bên Pháp ông hay ăn. Ông còn kể, ở bên Pháp họ có thói quen uống nước cam buổi sáng.
Từ ngày sang Việt Nam, ông chưa tìm được cam ngon như vậy nên mất thói quen đó. Sau khi ăn thử, ông nói hương vị rất tuyệt và cảm giác như được ở nhà. Nay, ông đã thành khách hàng quen thuộc của chúng tôi”, chàng trai 9X kể.
Hiện, Khuất Cao Khuê còn triển khai thêm tour để khách tham gia trải nghiệm tại vườn. “Khách hàng trực tiếp đến vườn được nghe những câu chuyện về cây cam. Họ sẽ hiểu hơn sản phẩm và tâm huyết của người trồng cây”, 9X cho biết.
Khuê cho biết, quyết tâm gây dựng trang trại của anh xuất phát từ việc muốn người Việt được thưởng thức trái cam ngon, sạch, giàu dinh dưỡng do chính người Việt trồng. Đây cũng là một hoạt động nhằm tác động, thúc đẩy tinh thần người Việt dùng hàng Việt Nam.
Bởi theo các chuyên gia kinh tế, để người Việt ủng hộ hàng Việt, các công ty, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường khâu chế biến, đa dạng sản phẩm, cải thiện mẫu mã gắn với xây dựng thương hiệu, đồng thời chuyển đổi số hóa để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó mới tạo được tâm lý tin tưởng, yêu thích từ khách hàng.
Thành Huế