Nếu cho rằng, phân quyền sẽ tránh được lạm quyền thì việc kiêm nhiệm sẽ làm cho nhiều người lo ngại. Bởi vì, những vấn đề thuộc về bản chất của việc thực hiện quyền lực đã được kiểm nghiệm và trở thành giá trị thiết nghĩ không thể tùy tiện vượt qua.

LTS: Tổ chức chính quyền địa phương sao cho hiệu quả, và liên quan đến đó là những thử nghiệm như bỏ Hội đồng nhân dân các cấp hay việc "nhất thể hóa" một số chức danh cấp huyện tại Quảng Ninh... đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Xung quanh vấn đề này, VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước & Pháp luật.

Bàn về chính quyền địa phương ở nước ta, xin bắt đầu từ câu chuyện về cái làng trong lịch sử. Dưới góc độ thực hiện quyền lực nhà nước, làng Việt ẩn chứa trong nó nhiều điều thú vị.

Nổi bật nhất vẫn là tính độc lập tương đối của làng xã đối với chính quyền trung ương. Sự tồn tại độc lập của lãng xã luôn là sự ngáng trở cho việc xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

Vua Lê Thánh Tông đã phải thực hiện việc cải cách, mà một trong những nội dung của cuộc cải cách ấy chính là công phá vào lũy tre làng nhằm tập trung quyền lực về nhà nước trung ương.

Tổ chức chính quyền địa phương thực chất là tổ chức quyền lực nhà nước theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Nói cách khác là sự thực thi quyền lực nhà nước ở các địa phương. Để làm việc đó, rất cần có công cụ, đó chính là bộ máy nhà nước ở địa phương

Mới đây, quá trình làm Hiến pháp 2013 đã cho thấy khó khăn khi quy định về chính quyền địa phương. Thời điểm hiện nay, khi xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương để cụ thể hóa Hiến pháp, vấn đề này lại gây nên sự tranh luận. Vì lẽ đó, Hội nghị Trung ương lần này đã phải bàn và ra nghị quyết “chốt” câu chuyện này.

{keywords}

Các đại diện của dân phải xuất phát từ dân. Ảnh minh họa, nguồn: VOV

Thế mới thấy, từ nghị quyết đến cuộc sống vẫn còn đó những khoảng cách cần lấp đầy để có một chính quyền địa phương hợp lý nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Không biết lái xe thì bỏ luôn... xe?

Chúng ta từng thí điểm mà có ý kiến cho là vi hiến, đó là bỏ HĐND huyện, quận, phường trong khi Hiến pháp 1992 quy định rõ HĐND được tổ chức ở cả 3 cấp. Kết quả của sự thí điểm đó cho thấy hai vấn đề: Không có HĐND ở các cấp bộ máy vẫn hoạt động bình thường như nó vốn vậy, đồng thời còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Chính vì thế nhiều người đã vội vã cho rằng HĐND là không cần thiết, thậm chí có cũng được mà không có cũng được.

Tuy nhiên, ở đâu có quyền lực, ở đó có giám sát để tránh lạm quyền, đó là quy luật và đòi hỏi trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực. UBND quận, huyện, phường thực hiện quyền quản lý nhà nước mọi mặt ở địa phương. Hay nói cách khác là họ thực hiện một loại quyền lực rất mạnh là quyền hành pháp ở địa phương.

Nếu không có sự giám sát, nguy cơ lạm quyền là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta đã sẵn có hệ thống giám sát là HĐND các cấp hà cớ gì lại bỏ trong khi chưa thấy sự hiện diện của hình thức giám sát nào khác?

Việc HĐND ở các cấp hoạt động còn mang tính hình thức, không thực quyền là chuyện ai cũng thấy. Nhưng không nên vì nó hoạt động không hiệu quả mà bỏ nó đi. Điều này không khác gì chỉ vì không biết lái xe, thay vì đi học lái lại vứt bỏ cái xe đó đi vì nó không cần thiết.

Trung ương đã rất đúng khi quyết định chỉ đạo tổ chức HĐND ở tất cả các cấp. Vấn đề ở đây là tổ chức, vận hành thiết chế chính trị quan trọng này như thế nào cho hiệu quả. Người ta vẫn nói quyền lực nhà nước là của dân. Nhưng quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân bất cứ khi nào và ở đâu không bao giờ là một.

Vấn đề là, làm thế nào để các cơ quan đại diện trở nên thực quyền hơn thiết nghĩ không phải nói nhiều. Các đại diện của dân phải xuất phát từ dân. Đừng để nhìn trên ti vi thấy cơ quan đại diện của dân mà đại biểu toàn là "quan". Cũng chỉ cần những đại biểu HĐND thực thi đúng quyền mà Hiến pháp, pháp luật trao cho họ ắt kết quả sẽ khác

Về mặt thực tiễn, nóng bỏng cần hơn lúc nào hết tiếng nói của những đại diện của dân nhưng các đại biểu của dân lại im hơi lặng tiếng. Chẳng hạn tại HN, có những sự kiện ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, dân lên tiếng nhưng hình như các đại biểu của dân ở cấp phường, quận, thành phố hình như không biết?  Nếu đại diện như thế này thì có lẽ vẫn chỉ nặng tính hình thức thật!

"Ghế nóng"

Quảng Ninh được công luận chú ý bởi đang triển khai thí điểm nhất thể hóa một số chức danh cấp huyện. Trong đó, đáng chú ý như việc nhất thể hóa và kiêm nhiệm chức danh đối với Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện tại huyện Cô Tô [1].

Có thể nói, ở bất kỳ cấp chính quyền nào, vị trí người đứng đầu - ông chủ tịch cũng đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự là ghế nóng trong hệ thống chính trị. Chủ tịch là người phải chịu trách nhiệm đa chiều. Chịu trách nhiệm trước HĐND - người bầu ra mình và cũng là người có quyền miễn nhiệm mình.

Bên cạnh đó, chủ tịch còn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên và cao nhất là Thủ tướng- người đứng đầu bộ máy hành pháp.

Và, chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước thường vụ cấp ủy, nơi ông ấy có một ghế. Về lý thuyết, nếu một việc nào đó bị dân kêu thì họ chỉ kêu ca chủ tịch và phó chủ tịch chịu trách nhiệm, chứ thực chất dân ít khi biết đến thường vụ.

Chính vì vậy, đề xuất việc sáp nhập cơ quan đảng và chính quyền được kỳ vọng sẽ tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động.

Tuy nhiên, cũng xuất phát từ quy luật đã được kiểm chứng: phân quyền sẽ tránh được lạm quyền thì việc kiêm nhiệm sẽ làm cho nhiều người lo ngại. Vì họ sợ các ông ấy sẽ trở thành các “ông vua con”. Bởi vậy, những vấn đề thuộc về bản chất của việc thực hiện quyền lực đã được kiểm nghiệm và trở thành giá trị, thiết nghĩ không thể tùy tiện vượt qua.

Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

-----

[1]: Nhất thể hoá chức danh và hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc: Điểm sáng Cô Tô, Báo Quảng Ninh, 27/03/2015.