Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, từ lâu đã là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Không những thế, ngôi làng này còn được mọi người biết đến với đặc sản chè lam và chè kho.
1. Chè lam
Đường Lâm được mệnh danh là đất hai vua và là ngôi làng cổ nhất Việt Nam trên 300 năm tuổi. Khi đến Đường Lâm bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà được xây bằng đá tổ ong chắc chắn, những con ngõ nhỏ với giàn dây leo thơ mộng.
Bên cạnh đó khách thập phương đến đây còn có cơ hội thăm thú nghề làm chè lam truyền thống. Ở mỗi nơi công thức và nguyên liệu làm chè lam lại khác nhau, nhưng nhìn chung đều có các nguyên liệu: Đường mật, mạch nha, gừng tươi, bột gạo nếp rang, lạc rang.
Mỗi khi đi qua những ngôi nhà cổ làm chè lam du khách đều cảm nhận được hương thơm nức của gạo nếp quê thanh nhẹ, ấm nóng của gừng, béo ngậy của mạch nha. |
Nếu như ngày xưa mật mía được dùng để làm chè lam thì ngày nay đường trắng đã thay thế, dù có đôi chút đổi khác về hương vị nhưng vẫn không làm chè lam kém đi phần hấp dẫn.
Gừng dùng làm chè phải là loại gừng vừa già, cay nồng mà còn phải thơm. Sau đó đem đun với đường, mạch nha, lạc rang với mức lửa vừa đủ, khuấy đều tay để đường tan ra hòa với mạch nha và gừng sao cho không bị cháy.
Khi tất cả hòa quyện với nhau thành một hỗn hợp có màu vàng óng ánh thì người nấu bắt đầu rắc bột nếp vào. Gạo nếp được người dân làng Đường Lâm lựa chọn để làm chè lam thường là loại gạo đặc sản như nếp cái hoa vàng hay nếp thơm.
Để có được một chiếc bánh lam đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm phải cực kỳ cẩn thận trong khâu làm bột, phải khuấy thật đều, thật nhanh tay để bột nếp không bị vón cục và tất cả các nguyên liệu có thể hòa quyện vào nhau. Khi đã khuấy xong người ta đổ chè trong nồi ra mâm đã phủ một lớp bột chè đến khi nguội hẳn cắt thành từng miếng bánh nhỏ một, mỗi chiếc lại rắc một chút bột lên để chè không bị dính vào nhau.
Thưởng thức món chè lam độc đáo, thơm phức và nhấp vài ngụm trà nóng sẽ khiến bạn cảm thấy ấm áp như chính tâm hồn của con người nơi đây vậy |
2. Chè kho
Chè kho khác với các loại chè mát lạnh mà chúng ta hay ăn trong những quán nước, quán chè. Đây là loại chè được nấu bằng đậu xanh, dạng khô dẻo. Chè kho từ lâu đã được mọi người biết đến là món ăn dân dã của làng cổ Đường Lâm.
Nguyên liệu để làm chè kho vô cùng đơn giản gồm đậu xanh, đường và vừng. Từng hạt đậu được ngâm nước rồi đãi sạch, sau đó rắc thêm vài hạt muối cho đậm vị, để đến khi ráo hẳn nước thì đem rang lên và xay thành bột.
Sau đó, nguyên liệu này được cho vào nồi nước sôi để nguội trộn với đường phèn hoặc đường trắng và đem đun thật nhỏ lửa. Trong lúc đun phải khuấy liên tục không nghỉ và phải thật đều tay. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng giúp tạo nên nồi chè kho ngon, vì nếu không cẩn thận và khéo léo đặc biệt là chịu được mỏi tay thì nồi chè rất dễ bị khê. Khi chè đã đặc quánh rồi thì phải đợi cho chè từ từ loãng ra, lúc đó chè mới thực sự chín và thành công. Chè kho có vị ngọt hay nhạt tùy thuộc vào số lượng đường mà người nấu nêm vào.
Sau khi chè đã chín sẽ được đổ ra bát và rắc một chút vừng, có một số nơi còn cho thêm chút dừa nạo |
Chè kho Đường Lâm càng thêm đậm đà nếu như thực khách thưởng thức với vài ngụm chè sen thanh mát.
(Theo Em đẹp)