Đồng loạt đề nghị giảm thuế, phí

Ngày 12/7 vừa qua, tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định; nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân và DN.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kêu gọi các Bộ, ngành lập tức thực hiện chỉ đạo, rà soát các loại phí không cần thiết hoặc quá cao để giảm gánh nặng cho người dân và DN.

Xăng dầu tăng giá khiến người dân và DN gặp khó khăn. Ảnh: Thanh Tùng

Một loạt các Bộ, ngành cũng đề xuất giảm thuế, phí đối với nhiều sản phẩm dịch vụ. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu. Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ dùng ngân sách để bù giá xăng dầu giúp ngư dân bám biển, người nghèo bớt khó khăn. Bộ NN-PTNT kiến nghị giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giảm một loạt các loại phí từ 10-30% cho lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, cảng biển bến bãi đến hết năm 2022.

Bên cạnh những loại thuế, phí, được các Bộ, ngành đề nghị giảm, theo các chuyên gia kinh tế, cần xem xét giảm tiếp thuế VAT với tất cả mặt hàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thuế VAT được giảm 2% từ ngày 1/2 đã góp phần giúp nhiều mặt hàng giảm giá. Tuy nhiên, mức giảm đó không đáng kể trong tình hình giá cả gia tăng hiện nay. Với mức giảm 2%, người tiêu dùng khó cảm nhận được sự tác động lên mặt bằng giá cả hàng hóa. Ví dụ, một thùng mỳ ăn liền có giá 100.000 đồng, thuế VAT 10% tức 10.000 đồng, nay giảm còn 8%, tức 8.000 đồng, phần thuế giảm chỉ là 2.000 đồng/thùng.

Hơn nữa, hiện giá nhiều mặt hàng, nhất là xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, tăng cao so với thời điểm đầu năm 2022, nên việc giảm thuế VAT 2% lại càng khó bù đắp. Trong khi đó, thu nhập của người tiêu dùng giảm đi nhiều, dẫn đến việc hạn chế mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, giảm thuế VAT 2% đến nay không “kích” được sức mua. Nên giảm 5% sẽ có hiệu ứng tốt hơn.

Khi nào thuế, phí giảm?

Các DN chế biến thực phẩm cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30-40% kể từ đầu năm; chi phí nguyên vật liệu như bao bì, phí logistics, phí cầu đường đều tăng, lương cơ bản cũng tăng... nhưng khi điều chỉnh tăng giá rất khó bán, vì sau hai năm đại dịch Covid, người tiêu dùng rất cân nhắc chi tiêu. Sức mua giảm, hàng bán không được, nên nhiều sản phẩm tiếp tục lỗ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm chỉ số giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nói chung đã tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông nghiệp có chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao nhất, hơn 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; xây dựng tăng 9,32%...

Giá cả hàng hóa tăng, nhiều gia đình phải tiết kiệm chi tiêu. Ảnh: Anh Nguyễn

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận xét, trong hoàn cảnh hiện nay, những người lao động có đồng lương ít ỏi từ 5-6 triệu đồng/tháng gặp khó khăn nhiều nhất. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh khiến họ phải chắt bóp chi tiêu để đối phó. Giá tăng nhanh mà thu nhập không tăng nên đời sống rất khó khăn. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được hỗ trợ kịp thời.

Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa công bố ngân sách nhà nước "bội thu", đạt 941.300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng gần 20% (xấp xỉ 230.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách tăng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng nhiều sắc thuế tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán, nên khi giá hàng hóa dịch vụ tăng cao trong bối cảnh lạm phát, số thu thuế cũng tăng theo.

Nguồn thu tăng cao, trong khi Bộ Tài chính tính toán, các chính sách giảm thuế VAT và hỗ trợ thuế, phí, lệ phí khác... dự kiến đạt tổng mức giảm thuế là 126.000 tỷ đồng. Như vậy, có đủ dư địa để hỗ trợ thông qua giảm thêm thuế, phí. 

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giá cả hàng hóa tăng gây rất nhiều khó khăn cho DN và người tiêu dùng. Nhiều DN sản xuất không có lãi, thậm chí bị lỗ, còn các gia đình phải tiết kiệm chi tiêu, đời sống tinh thần và vật chất giảm. Vì vậy, giảm thuế, phí cần thực hiện sớm, không nên chỉ là các đề xuất.

Ba năm khó khăn, Việt Nam lo trả hơn 1 triệu tỷ nợ công

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.