Năm 2022 trả hơn 335 nghìn tỷ đồng
Nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ năm 2022 tối đa là 673.546 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương là 450.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương là 196.149 tỷ đồng (bằng dự toán được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 34/2021/QH15); huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho vay lại khoảng 26.697 tỷ đồng.
Năm 2022 vay tối đa là 673.546 tỷ đồng |
Dự báo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2022 khoảng 335.815 tỷ đồng, gồm: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 299.849 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 196.149 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 103.700 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 35.966 tỷ đồng.
Trên cơ sở GDP đánh giá lại, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 45-46% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41-42% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu NSNN dự kiến khoảng 22-23%.
“Như vậy, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép”, Bộ Tài chính đánh giá.
Dự kiến năm 2022, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 22-23%, đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 23/2021/QH15.
Bộ Tài chính lưu ý: Trường hợp thu ngân sách nhà nước không đạt mức dự kiến, thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cho chương trình, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.
Giai đoạn 2022-2024 trả nợ hơn 1 triệu tỷ
Với mức tăng bội chi NSNN tối đa 240 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ giai đoạn 2020-2024 tối đa khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.
Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 1,31 triệu tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 612 nghìn tỷ đồng; vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và DN vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 117 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2020-2024 vay tối đa khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng |
Về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết dự kiến tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 khoảng 1,19 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 1,045 triệu tỷ đồng, trả nợ các khoản vay về cho vay lại khoảng 146 nghìn tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ ngày càng tăng |
Trường hợp thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cho Chương trình, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.
Kết hợp với việc áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế để thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính lưu ý chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách giai đoạn này có thể có năm tiến sát 25% theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Với phương án tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính dự kiến đến năm 2024 nợ công khoảng 46-47% GDP, nợ Chính phủ khoảng 44-45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24-25%.
Đáng chú ý, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước giai đoạn này có thể có năm vượt 25% theo Nghị quyết số 23 của Quốc hội, nhưng Bộ Tài chính cho biết sẽ phấn đấu để bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.
Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Lương Bằng
Bơm thêm tiền vào nền kinh tế thì phải tăng bội chi, tăng nợ công
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, khi sử dụng gói kích thích để phục hồi nền kinh tế, tức là bơm thêm tiền vào nền kinh tế, tăng tiền phải tăng bội chi và sẽ tăng nợ công.