Giá dầu thế giới lại lao dốc hôm thứ Hai đầu tuần này, xuống mức 46 đô la Mỹ/thùng, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Tính từ tháng 6-2014 đến nay, giá dầu đã giảm 55%.
Trước đó vào tối Chủ nhật, Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs đưa ra dự báo giá dầu thô của Mỹ sẽ giảm xuống mức 41 đô la/thùng trong vòng ba tháng, xuống 39 đô la/thùng trong sáu tháng tới, trước khi tăng lên lại mức 65 đô la/thùng vào cuối năm 2015. Nhiều chuyên gia thị trường hoài nghi các con số mà Goldman Sachs đưa ra và từ chối xác định khi nào thì giá dầu chạm đáy, và mức giá đáy là bao nhiêu.
Để có căn cứ dự báo tương lai, cần xem lại nguyên nhân vì sao giá dầu lao dốc. Một số người gắn giá dầu với xung đột địa chính trị ở Ukraine, Trung Đông và suy luận theo “thuyết âm mưu”, cho rằng Mỹ câu kết với Ảrập Saudi kéo giảm giá dầu để gây khó khăn cho Nga và Iran là các nước dựa chủ yếu vào dầu mỏ (petrostate).
Tuy nhiên, theo báo The New York Times, chưa có bằng chứng khẳng định một sự câu kết như vậy và quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Saudi cũng không đủ thuận buồm xuôi gió để có một sự câu kết như vậy.
Nguyên nhân dễ chấp nhận nhất của sự sụt giảm giá dầu là do cung vượt quá cầu; thế giới hiện sản xuất mỗi ngày 93 triệu thùng dầu, nhiều hơn khả năng tiêu thụ khoảng 1-2 triệu thùng và tình trạng thừa sản lượng này không thể chấm dứt sớm, nhất là khi các thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Ảrập Saudi vẫn kiên quyết không giảm sản lượng vì không muốn mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Về phương diện cung, sản xuất và xuất khẩu dầu ở nhiều nước vẫn tăng, đáng chú ý là Iraq đang cố đẩy mạnh sản lượng bù lại những năm đình trệ do chiến tranh. Tại Mỹ sản xuất dầu trong ba năm gần đây mỗi năm đều tăng công suất 1 triệu thùng/ngày nhờ công nghệ khai thác dầu từ đá phiến; sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong sáu năm qua. Hậu quả trực tiếp là lượng dầu nhập khẩu của Mỹ giảm một nửa; các nước Ảrập Saudi, Algeria, Nigeria trước đây bán dầu chủ yếu cho Mỹ thì nay phải tìm thị trường khác ở châu Á.
Về phương diện cầu, kinh tế chậm lại ở châu Âu, Trung Quốc và các nước đang phát triển khác làm cho nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm. Cộng với việc Mỹ giảm nhập khẩu, thị trường dầu mỏ trở nên thừa mứa là dễ hiểu.
Tuy chưa xác định được đến lúc nào cán cân cùng-cầu trên thị trường dầu được cân bằng song chắc chắn xu thế giảm giá dầu sẽ sớm chấm dứt.
Những dấu hiệu cho thấy giá dầu sắp chạm đáy và đảo chiều đi lên đã xuất hiện rải rác. Tại Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu giá dầu duy trì ở mức hiện hành thì ngành công nghiệp dầu đá phiến sẽ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh; hoặc ít ra các công ty nhỏ, vay nhiều tiền để đầu tư khoan dầu đá phiến - sẽ nhanh chóng đóng cửa. Các ngân hàng tài trợ cho ngành công nghiệp này cũng sẽ lao đao do khó khăn trong việc thu hồi vốn.
Theo số liệu của Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, ngay trong tuần lễ thứ hai của năm 2015 đã có 60 giếng dầu Mỹ ngừng hoạt động vì chi phí khai thác cao hơn giá dầu trên thị trường.
“Giới hạn đau khổ của các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ là khi giá dầu xuống dưới 50 đô la/thùng”, theo nhận định của Per Magnus Nysveen, Trưởng bộ phận phân tích Công ty Năng lượng Rystad Energy tại Na Uy.
Trong báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Hai, ông Nysveen lưu ý lần đầu tiên các giếng dầu ở vùng Bakkhen ở North Dakota, vùng Eagle Ford và Permian Basin ở Texas ngừng hoạt động. Ba vùng đá phiến này là “xương sống” của công nghiệp dầu đá phiến Mỹ. Theo tính toán của Rystad, trong thời gian tới, số giếng dầu nội địa của Mỹ sẽ giảm từ 700 giếng xuống còn 500 giếng và sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm đáng kể.
Nhưng quả bóng giá dầu vẫn ở trong chân OPEC. Hồi cuối tuần, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã công du các nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh, cố gắng thuyết phục họ giảm sản lượng để đẩy giá lên. Iran thì càng lúc càng to tiếng cáo buộc “các đối thủ chính trị” sử dụng dầu làm vũ khí chính trị để triệt hạ chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Ảrập Saudi và UAE - những tiếng nói có trọng lượng nhất trong OPEC - vẫn duy trì quan điểm nếu giảm sản lượng, tăng giá dầu thì sẽ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh và đó là điều họ không chấp nhận được.
Dẫu vậy giới quan sát tin rằng, sản lượng dầu toàn cầu sẽ giảm mạnh từ giữa năm nay và giá dầu sẽ hồi phục vào cuối năm bởi vì xu thế giảm giá hiện nay là một “cuộc đua xuống đáy”, gây thiệt hại không chỉ cho các petrostate, cho công nghiệp dầu đá phiến mà cho cả các cường quốc dầu mỏ như Ảrập Saudi. Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện thời, suy cho cùng, cũng chỉ là một đợt vận động lên xuống theo quy luật thị trường như những cuộc thăng trầm khác trong lịch sử mà thôi.
Thái Bình/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn