Tại hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức đầu tháng 11, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh còn 23.886 hộ nghèo, chiếm 6,07% tổng số hộ dân. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 21.377 hộ, chiếm 12,71%.
Sở LĐ-TB&XH đánh giá, kết quả giảm hộ nghèo năm 2024 của tỉnh là 2,04%; đạt 101,91% so với kế hoạch. So với năm 2023, năm nay, sơ bộ Gia Lai có hơn 11.200 hộ thoát nghèo. Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,34%, đạt 144% so với kế hoạch. Đặc biệt, hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5,93%, đạt 107% kế hoạch.
Pờ Tó là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Năm 2024, toàn xã có 572 hộ nghèo và 108 hộ cận nghèo, nguyên nhân nghèo chủ yếu là số gia đình trẻ tách hộ ngày càng nhiều nhưng thiếu đất sản xuất.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngà (thôn 3, xã Pờ Tó) có 6 khẩu nhưng chỉ dựa vào gần 1 sào lúa nước, thu nhập rất thấp. Dù đã chịu khó đi làm thuê khắp nơi nhưng do công việc không thường xuyên nên gia đình vẫn nghèo mãi. Năm nay, gia đình chị được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản để làm sinh kế lâu dài giúp gia đình vươn lên.
Coi đây là tài sản có giá trị, từ khi nhận bò, vợ chồng chị chia nhau đi cắt cỏ, dắt bò chăn thả và trồng thêm cỏ voi để chăm sóc bò thật tốt để sớm sinh sản.
Lãnh đạo xã Pờ Tó cho biết thực hiện tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã cấp 105 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Xác định đây là sinh kế để bà con sớm vươn lên thoát nghèo, vì thế, ngoài việc bình chọn hộ tham gia công khai, minh bạch, trước khi cấp bò giống, cán bộ xã kiểm tra việc xây dựng chuồng trại của từng hộ đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh môi trường xung quanh.
Không chỉ tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cũng triển khai xây dựng dự án hỗ trợ con giống cho hộ nghèo và cận nghèo từ nguồn vốn phân bổ của tiểu dự án 1-Dự án 3 tại 9 xã. Các địa phương thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra và hỗ trợ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn bò. Đến nay, đàn bò phát triển ổn định, người dân rất kỳ vọng đây là cơ hội để thoát nghèo.
Còn tại huyện Kbang, thực hiện tiểu dự án 1 - Dự án 3, năm nay huyện được phân bổ 1,6 tỷ đồng. Huyện phân bổ nguồn vốn này cho 10 xã, thị trấn để xây dựng 12 dự án, trong đó, 10 dự án hỗ trợ giống, phân bón, máy móc nông nghiệp và 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi.
Các địa phương cũng thành lập tổ hợp tác sản xuất để hỗ trợ 155 hộ nghèo, 374 hộ cận nghèo và 7 hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế. Hầu hết các hộ đều đồng tình hình thức hỗ trợ sinh kế cộng đồng thông qua tổ hợp tác theo nhu cầu, bà con sẵn sàng đối ứng thêm vốn để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.
Không ít địa phương trong huyện triển khai Dự án trồng lúa nước và thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa. Đơn cử, tại xã Kông Lơng Khơng, từ nguồn vốn 143 triệu đồng phân bổ năm 2024, xã hỗ trợ hơn 3,5 tấn lúa giống cùng phân bón cho 222 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Năm trước, 138 hộ cận nghèo và 56 hộ nghèo được cấp giống và phân bón để canh tác 28,7 ha lúa nước.
Vụ mùa vừa qua, các hộ được hỗ trợ đã thu hoạch lúa với năng suất đạt 4,2 tấn/ha. Bà con nơi đây rất phấn khởi vì giống lúa nước phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của bà con, trong khi thân lúa cứng không bị ngã đổ, năng suất cao hơn các giống lúa truyền thống. Đây là động lực để các hộ phấn đấu ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo trong những năm tới.
Tại huyện Mang Yang, thực hiện tiểu dự án 1- Dự án 3, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng các dự án hỗ trợ theo nhóm cộng đồng về chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi cung cấp đủ theo số lượng các dự án đã xây dựng, còn dư vốn, Trung tâm tiếp tục triển khai dự án mới hỗ trợ thêm số hộ nghèo, cận nghèo ở các xã được thụ hưởng.
Cách làm này giúp các hộ có thêm nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên phát triển kinh tế. Họ cũng được tập huấn kỹ thuật và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Tin tưởng vào sự hỗ trợ này, bà con ngày càng yên tâm lao động sản xuất. Bò và các loại cây trồng được hỗ trợ như lúa nước vụ mùa, mắc ca trồng xen vườn cà phê, chanh dây đều thích nghi với điều kiện địa phương nên phát triển tốt.