Nguồn cảm hứng ấy được Mai thổi vào bài luận và góp phần giúp em giành học bổng 6,3 tỷ đồng từ ĐH Pennsylvania.
Nguyễn Ngọc Phương Mai (SN 2001) là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Nguyễn Ngọc Phương Mai (SN 2001) là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Mới đây, Phương Mai nhận được thư báo đỗ từ Đại học Pennsylvania kèm mức học bổng 272.000 USD (khoảng 6,3 tỷ đồng) cho 4 năm học.
Đây là niềm vui lớn với Mai bởi Đại học Pennsylvania là ngôi trường nổi tiếng thuộc khối Ivy League. Ngôi trường này được đánh giá có thế mạnh về các lĩnh vực Khoa học, Luật, Giáo dục,...
Những cuộc trò chuyện không khoảng cách
Có thiên hướng về các ngành Khoa học xã hội, Mai kỳ vọng đây sẽ là môi trường phù hợp nhất với mình để phát triển đam mê học thuật của bản thân.
Lý do Mai lựa chọn Đại học Pennsylvania là đích đến còn bởi “trường tọa lạc ở một thành phố em rất yêu thích là Philadelphia. Đây là thành phố có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời ở Mỹ và cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều người có tầm ảnh hưởng như Steve Cohen hay Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
“Mặc dù rất mơ ước nhưng em cũng lo lắng việc mình có đủ khả năng đỗ hay không? Tuy nhiên sau cùng em vẫn lấy hết can đảm để “thả” hồ sơ vào trường. May mắn trong số 15 trường đăng ký, Pennsylvania là ngôi trường em đỗ cao nhất và cho em nguồn tài chính hỗ trợ dồi dào nhất”.
Nhắc đến giấc mơ du học Mỹ, Mai bắt đầu nhen nhóm ý định này từ những năm cuối cấp 2. Nhưng phải đến đầu năm lớp 11, nữ sinh trường Ams mới thực sự chắc chắn về ước mơ của mình.
Người đầu tiên Mai tìm đến để chia sẻ chính là mẹ.
“Mẹ luôn là người đồng hành và có sức ảnh hưởng lớn tới em. Tuy nhiên, mẹ không bao giờ áp đặt mong muốn của mình lên con cái mà luôn để cho em tự lựa chọn con đường.
Ngày em chia sẻ với mẹ về ước mơ đi Mỹ, mẹ vẫn còn chưa hiểu lắm về quy trình “apply” hay việc em phải thi những loại chứng chỉ gì.
Mẹ chỉ hỏi: “Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Nếu con thấy con đường ấy là đúng đắn nhất thì phải nỗ lực đến cùng”.
Một điều khác Mai cảm thấy thoải mái nhất trong ngôi nhà mình là giữa con cái và bố mẹ chưa từng có khoảng cách. Những cuộc trò chuyện với bố mẹ của Mai càng nhiều hơn khi em bắt đầu bước vào tuổi 16.
“Bố mẹ thường giành nhiều thời gian để hỏi han về tình hình trường lớp, các mối quan hệ và định hướng ngành nghề của em. Em thấy điều đó thực sự có ích vì những cuộc trò chuyện như thế giúp em có thể bày tỏ rõ ràng với bố mẹ về định hướng tương lai”.
Chính sự cởi mở, mạch lạc đã khiến bố mẹ luôn tin tưởng và ủng hộ mọi quyết định Mai đưa ra.
Lý do Mai lựa chọn Đại học Pennsylvania là đích đến còn bởi “trường tọa lạc ở một thành phố em rất yêu thích là Philadelphia.
Bố mẹ Mai đều là công chức nhà nước. Mặc dù không giàu có về tiền bạc, nhưng điều khiến Mai nể phục nhất là bố mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho việc học tập của con cái.
“Bố mẹ không vì vấn đề tài chính mà ngăn cản em làm điều gì. Ví dụ, khi đi học em rất đam mê trống. Thấy vậy bố mẹ cũng cho em đi học một lớp như thế.
Hay mặc dù em nhận được mức hỗ trợ tài chính lớn nhưng bố mẹ vẫn phải chi trả một phần tiền cho trường. Đây là một sự đầu tư cho giáo dục, bởi việc đóng khoản phí này chắc chắn sẽ đắt hơn nhiều so với việc để em theo học một trường đại học nào đó trong nước. Nhưng bố mẹ luôn khuyến khích nếu em có cơ hội trải nghiệm những điều mới”.
Bài luận đậm chất văn hoá Việt
Cho rằng giá trị truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự trưởng thành của một con người, trong bài luận gửi ngôi trường Pennsylvania, Mai nhắc nhiều đến những kỷ niệm thời thơ ấu dưới mái nhà có 3 thế hệ sinh sống.
“Việc lớn lên trong ngôi nhà có 3 thế hệ sinh sống cùng nhau đã hình thành trong em những bài học quan trọng về tình cảm gia đình, về sự cảm thông với các lối sống đa dạng và sự chấp nhận các giá trị sống khác biệt”.
Ngoài ra một nét văn hoá của người Việt cũng được Mai thể hiện trong bài luận là cách thể hiện tình cảm trong gia đình.
“Người châu Á thường không quá hào phóng với những câu nói như: “Bố mẹ yêu con”, “Ông bà yêu cháu” giống người phương Tây mà chủ yếu bộc lộ tình cảm qua những hành động quan tâm nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày.
Ví dụ ông nội của em rất ghét tiếng ồn nhưng trong ngày sinh nhật, ông lại tặng em một quả bóng vì ông biết em rất thích đá bóng.
Hay trong những bữa ăn, bố mẹ em vẫn không quên phần em đùi gà - cũng là phần thịt ngon nhất.
Những sự quan tâm ấy tuy nhỏ bé nhưng với em lại vô cùng ý nghĩa và giá trị. Em nghĩ đó chính là điểm nhấn giúp hồ sơ của em nổi bật hơn”.
Ngoài ra, Phương Mai cũng cho rằng, “bí kíp” để thuyết phục hội đồng tuyển sinh còn phụ thuộc vào việc ứng cử viên thể hiện mình là ai và mình đam mê điều gì trong hồ sơ.
Ví như trong bài luận phụ, nữ sinh trường Ams đã thể hiện rõ ràng đam mê cũng như định hướng học thuật của bản thân trong tương lai.
Phương Mai có thế mạnh về tranh biện, và sự quan tâm đến các lĩnh vực xã hội. Điều này được thể hiện nhất quán trong các bài luận và hoạt động ngoại khoá gửi Đại học Pennsylvania.
Phương Mai tham gia hoạt động tranh biện, truyền thông.
Nắm trong tay nhiều giải tranh biện nhờ tư duy tiếp cận vấn đề sắc sảo, góc nhìn cá nhân đa chiều, logic, nhưng điều khiến Mai hài lòng nhất lại là quãng thời gian em được làm việc trong Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam.
“Những hoạt động tại đây giúp bản thân em trưởng thành hơn rất nhiều.
Ngày còn bé, em thường thích ăn mặc như con trai, thích chơi siêu nhân, lắp ráp thay vì mặc váy và thích chơi búp bê. Khi ấy em thường nhận được những câu nói như: “Sao con bé này chẳng giống những đứa con gái khác”.
Khi lớn hơn em cũng nhận thấy nhiều vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới. Ví dụ con gái khi ra ngoài đường rất dễ bị chòng ghẹo dù cho họ hoàn toàn không mong muốn.
Khi có một bất trắc gì xảy ra với bản thân người con gái, họ sẽ bị nói là không biết giữ gìn thay vì bắt người đàn ông phải chịu trách nhiệm.
Ngược lại giới tính nam cũng phải chịu những định kiến “là con trai phải mạnh mẽ”. Em không mong muốn một thế giới bị bao vây bởi những định kiến như thế. Do vậy em muốn làm điều gì đó để thay đổi tình trạng này”.
Đỗ vào ngôi trường danh giá tại nước Mỹ, cô gái Việt dự định sẽ tận dụng năm đầu tiên để khám phá những lĩnh vực mới mẻ như Chính sách công, Khoa học Chính trị, Kinh tế trước khi đưa ra quyết định chuyên ngành.
Tuy nhiên, Mai khá hứng thú với ngành Khoa học Chính trị và Chính sách công.
“Em cảm thấy những môn học này có sức tác động lên xã hội và xây dựng cho em những hiểu biết về nền tảng, cách thức hoạt động xã hội.
Với những kiến thức tích luỹ được, em mong muốn có thể góp phần xây dựng những chính sách tiến bộ và phát triển cộng đồng”.
Thúy Nga
Thủ khoa trường Tự nhiên giành học bổng tiến sĩ 8,4 tỷ
-Từng thất bại khi trượt một số học bổng lớn, Đạt hỏi lý do thì được phản hồi là cậu còn quá khiêm tốn và không bày tỏ hết ước mơ của bản thân.