LTS: Từ bao đời nay, gia đình là một nhân tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, gia đình Việt được hình thành và phát triển với những chuẩn mực và giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.
Đó là nơi tái sản xuất ra của cải vật chất và con người, góp phần làm cho xã hội tồn tại, phát triển lâu dài.
Có con người mới có gia đình, có gia đình thì bản thân con người mới được nuôi dạy trưởng thành từ những đạo lý làm người cơ bản nhất. Gia đình là cái nôi nuôi nấng, chăm sóc con người bằng tình yêu thương, sự bao bọc chở che, lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ…
Mỗi gia đình lại là cá thể trong hệ gia đình. Hệ giá trị tạo điểm tựa tinh thần, tạo môi trường văn hóa, có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, định hướng con người đến những điều tốt đẹp. Ở khía cạnh khác, hệ giá trị gia đình là biểu hiện sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, giá trị của nhiều gia đình bị đảo lộn bởi những mâu thuẫn, mưu cầu riêng trong cuộc sống. Muốn lưu giữ được những giá trị tốt đẹp vốn có, muốn hệ gia đình trở nên tốt đẹp, mỗi gia đình cần phải nỗ lực vun đắp, kiến tạo giá trị của chính mình để trở thành một cá thể vững mạnh.
Gia đình hạt nhân đang thay thế các gia đình cũ
Khác với mô hình gia đình của một số nước phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, gia đình truyền thống của người Việt đề cao giá trị tập thể, cộng đồng.
Từ xa xưa, mỗi gia đình sống chung rất nhiều thế hệ, từ ông bà, bố mẹ, con cái đến cháu chắt. Tinh thần đoàn kết ấy chính là nguồn cội để tạo ra một gia đình hạnh phúc.
Đó là nhận định của chuyên gia Trịnh Trung Hòa, nhà nghiên cứu tâm lý, hôn nhân gia đình. Theo chuyên gia, hiện nay, những gia đình cũ đã “chuyển mình”, nhường chỗ cho những gia đình hạt nhân: chỉ có vợ chồng và con cái còn nhỏ.
Nói một cách khác, gia đình Việt trong xã hội hiện đại đang có chiều hướng thu nhỏ lại, khác nhiều so với thời ông bà.
Ngày xưa ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt - tứ đại đồng đường ở trong một nhà. Nhưng thời nay, thời công nghiệp hóa hiện đại hóa, mỗi người có nếp sinh hoạt riêng, công việc riêng, thời gian làm việc, ăn uống khác nhau nên mô hình gia đình trong tứ đại đồng đường ấy đã lỗi thời, không còn phù hợp. Nó phải nhường chỗ cho những gia đình hạt nhân.
Tuy nhiên chuyên gia khẳng định, đó chỉ là một bước chuyển mình chứ chưa hoàn toàn chuyển hóa. Nói đúng hơn, gia đình Việt Nam hiện nay đang “dở mới dở cũ”, chuyển sang cái mới nhưng vẫn bị rơi rớt bởi cái cũ và đó là nguyên nhân gây ra những rắc rối.
Chuyên gia lấy ví dụ về chuyện sinh con trai, con gái trong gia đình. Vợ chồng không còn quá quan trọng chuyện sinh con trai hay con gái. Nhưng thực tế, trong việc thừa kế tài sản, con trai vẫn được phần nhiều hơn, con gái đi lấy chồng sẽ có phần thiệt thòi.
Hay chuyện nam nữ bình đẳng trong xã hội hiện đại nhưng trên thực tế, nhiều chàng trai vẫn không thích đi ở rể vì sợ bị cho là hèn kém. Cái mới và cái cũ vẫn còn tồn tại đan xen trong mỗi gia đình hiện đại. Chính tư tưởng cũ mới giằng xé này đã làm cho nhiều gia đình lục đục, mâu thuẫn.
Giá trị gia đình cốt lõi nằm ở tình yêu thương
Không chỉ dừng lại ở những mâu thuẫn nhỏ như cãi vã, giận hờn, nhiều gia đình xảy ra ghen tuông, phản bội, bạo hành, tranh chấp tài sản dẫn tới những hệ lụy khó lường. Vì tiền, vì sĩ diện của bản thân, nhiều người sẵn sàng ruồng bỏ, chà đạp lên người thân ruột thịt.
Điển hình là vụ việc 3 người con gái vì tranh chấp đất đai mà nhẫn tâm dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ sinh ở Hưng Yên. Để rồi sau đó, 1 người qua đời, 3 người còn lại trở thành nạn nhân với những nỗi đau không thể nói bằng lời.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho hay, chuyện con cái bất hiếu, vợ chồng ngoại tình, ghen tuông thời nào cũng có. Tuy nhiên thời nay, những vụ việc như vậy xuất hiện nhiều hơn bởi xã hội đang từ thời bao cấp khó khăn chuyển sang kinh tế thị trường. Đời sống tốt hơn đồng nghĩa với việc con người cũng nảy sinh nhiều mưu cầu, ham muốn hơn.
Theo chuyên gia, hiện nay mạng xã hội phát triển, nhiều vụ việc tiêu cực được “truyền thông” tạo cho nhiều người cảm giác xã hội hiện tại có nhiều vấn đề nhiêu khê. Ông cũng khẳng định chuyện đạo đức xuống cấp là đúng nhưng không phải quá nhiều và kinh khủng như nhiều phương tiện truyền thông đề cập.
Thực tế, nhiều gia đình chuyển sang kinh tế thị trường vẫn sống hòa thuận, yêu thương lẫn nhau như chuyện ông Đỗ Văn Hương (47 tuổi, Hà Nội) tự tay chăm sóc mẹ già 95 tuổi ân cần, chu đáo như chăm một đứa trẻ.
Ở tuổi 95, mẹ ông không còn minh mẫn, nhớ nhớ quên quên giống như đứa trẻ 4-5 tuổi. Con trai, con dâu và các cháu luôn ở bên tận tình chăm sóc, dỗ dành mẹ, yêu chiều mẹ bằng tất cả tình yêu thương của mình.
Có được thứ tình cảm tốt đẹp ấy là bởi mỗi thành viên trong gia đình đều hiểu sự hiếu thảo là giá trị đi đầu, tình thân là điều thiêng liêng, đáng trân quý nhất. Mỗi cử chỉ ông Hương làm sẽ trao truyền những giá trị tốt đẹp cho người thân, con cái, để con cái hiểu và mang đạo lý hiếu thuận ấy làm hành trang cho chặng đường về sau.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là một cá thể trong hệ gia đình. Để xã hội, gia đình phát triển, mỗi gia đình phải không ngừng nỗ lực, cố gắng vun đắp các giá trị tốt đẹp.
“Gia đình truyền thống có tôn ti trật tự từ thời ông bà, cha mẹ và có một quá trình lịch sử hàng nghìn năm. Vậy nên gia đình hạt nhân vừa mới ra đời so với tiến trình lịch sử đó chỉ là “đứa trẻ” đang chập chững những bước đi ban đầu và còn nhiều cái chưa chín muồi. Những gia đình hạt nhân ấy cần có nhiều thời gian để phát triển.
Điển hình là chuyện nam nữ bình đẳng, ai cũng có quyền ngang nhau trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên vì sự bình đẳng mà không ai nói được ai, chồng nói vợ không nghe, vợ nói chồng không nghe. Cần nhiều thời gian để sự bình đẳng ấy đi vào quỹ đạo. Khi đó vừa có sự bình đẳng nam nữ vừa phải có sự khéo léo giữa vợ và chồng”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.
“Giải pháp chính để khôi phục và phát triển giá trị gia đình là phải tăng cường tuyên truyền giáo dục. Ngoài ra, cần giảm bớt những chuyện tiêu cực trên các phương tiện truyền thông. Thường xuyên đưa các thông tin tích cực, tuyên truyền giá trị tốt đẹp về gia đình để mỗi người nhìn vào đó có những lối sống tích cực, hài hòa hơn.
Việc nuôi dưỡng, phát triển các giá trị gia đình tốt đẹp phải là một quá trình lâu dài, bền vững, liên tục bởi chính các thành viên trong gia đình và cả trong công tác tuyên truyền, giáo dục”, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Cuối cùng, chuyên gia chỉ ra rằng, giá trị gia đình cốt lõi luôn nằm ở sự đoàn kết, tình yêu thương, trách nhiệm, sự bình đẳng của mỗi thành viên trong gia đình. Dù cuộc sống xã hội hiện đại, công nghiệp hóa hiện đại hóa, chỉ cần các thành viên trong gia đình luôn ghi nhớ sống với nhau bằng tình yêu thương, sự bao bọc thì giá trị gia đình mãi mãi được vững bền.