Tại phiên hội thảo chuyên đề "Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới", trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 12/10, các diễn giả tập trung chia sẻ các xu thế trong tương lai và giải pháp mới nhất của ngành fintech trong bối cảnh các ngân hàng chú trọng hơn việc hợp tác với các công ty fintech nhằm tạo ra các dịch vụ tài chính thuận lợi, hiệu quả, giảm chi phí cho khách hàng.
Các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), ngân hàng đã chia sẻ về các bài học kinh nghiệm từ các xu hươớng fintech gần đây và các hoạt động thực tiễn; thúc đẩy chuyển đổi sang các kênh ngân hàng di động, ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt, tăng gắn kết với các hệ sinh thái dịch vụ fintech.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết trong bối cảnh hội nhập, triển vọng phát triển fintech tại Việt Nam rất lớn. Hiện số lượng các DN fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần 4 lần, từ 40 DN tại thời điểm cuối năm 2016 lên hơn 150 DN vào cuối năm 2021 và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, fintech đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý rủi ro, đặc biệt là an ninh thông tin và an ninh mạng cho cả ngành tài chính.
Theo Bảng xếp hạng Trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TPHCM và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường fintech non trẻ như Việt Nam. Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã và đang tích cực chuyển đổi mô hình sang ngân hàng số. Để triển khai xu hướng này một cách hiệu quả, đòi hỏi ngành ngân hàng phải có sự phối hợp cùng các công ty fintech trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Ông Dilip Krishnan, lãnh đạo toàn cầu, Giám đốc thực hành chuyển đổi kỹ thuật số Bộ phận Dữ liệu và Dịch vụ của Mastercard phân tích, ngày càng nhiều ngân hàng truyền thống nhận ra được những lợi thế từ ngân hàng số. Điều đó cho phép ngân hàng phát triển thị trường thông qua sự nhanh nhạy, đa dạng sản phẩm, trải nghiệm khách hàng vượt trội và hiệu quả chi phí.
Ngân hàng vừa tận dụng được hệ thống kế thừa từ giai đoạn trước, vừa sử dụng rộng rãi các giải pháp như trí tuệ nhân tạo, cố vấn robot, sinh trắc học…; các dịch vụ tài chính cao cấp được phát triển nhanh hơn nhờ hợp tác với các công ty bên thứ ba để mang lại nhiều sản phẩm, công nghệ liên tục được cải tiến và được tiếp thị nhanh nhất có thể đến khách hàng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của số hoá và tự động hoá, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc Kinh doanh Đông Nam Á akaBot (FPT Software) chia sẻ giải pháp siêu tự động hoá (Hyperautomation) góp phần vận hành từ 70-80% tác vụ do "máy" thực hiện, giúp tiết kiệm tới 90% thời gian chờ phản hồi, bảo mật 100% và nâng cao độ chính xác tới 99,9%, mang lại trải nghiệm số vượt trội cho khách hàng.
"Với mô hình ngân hàng hiện nay, khách hàng có trải nghiệm rất đa dạng với lượng dữ liệu tăng lên cấp số nhân, mức độ phức tạp cao hơn. Các thống kê về dữ liệu đã chỉ ra rằng chỉ có 20% dữ liệu trong DN là dữ liệu có cấu trúc, 80% là dữ liệu phi cấu trúc. Trong khi đó, chất lượng của trải nghiệm số lại phụ thuộc vào 80% dữ liệu phi cấu trúc này. Việc ứng dụng tự động hóa giúp giải quyết tốt bài toán vận hành, từ đó mang lại trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng, bao gồm cả trải nghiệm số", bà Nguyễn Minh Nguyên Thành nói.
Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) nhấn mạnh bài học chuyển đổi số toàn diện của TP Bank đến từ 4 chiến lược số hóa trọng tâm: Sản phẩm và dịch vụ, mô hình kinh doanh, tổ chức vận hành, quản trị rủi ro.
TP Bank có gần 500 robot của akaBot chạy ngầm tự động hoá các quy trình vận hành nội bộ lặp đi lặp lại trong hệ thống, hoạt động 24/7.
Có 20% trong số đó là robot tự động hóa tích hợp công nghệ AI, OCR (nhận diện ký tự và hình ảnh), IDP (xử lý văn bản thông minh)... giúp DN tiết kiệm nhân sự, tăng cường trải nghiệm, nâng cao năng suất lao động của nhóm nhân viên tín dụng và giao dịch với thời gian giải ngân vay, thời gian giao dịch tại quầy.
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số, ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết Ngân hàng số Cake do 2 đối tác là BeGroup và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tạo ra hệ sinh thái số với số lượng người dùng lớn. Nhờ vào ứng dụng công nghệ eKYC, các phương thức xác thực điện tử, điện toán đám mây… và những cách làm mới, Cake chỉ mất khoảng 20 tháng để có được hơn 2,3 triệu khách hàng thay vì mất từ 20-30 năm để có được từ 1-2 triệu khách hàng của ngân hàng truyền thống.
Ứng dụng đáp ứng nhu cầu đa dạng, cho phép người dùng thực hiện mọi giao dịch như mở tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn, gửi và nhận tiền, tiết kiệm, đầu tư, vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng… mà không cần đến phòng giao dịch.
Khai thác fintech đột phá, Cake cho phép người dùng mở tài khoản chỉ trong 2 phút bằng điện thoại di động và hệ thống định danh khách hàng điện tử (eKYC) giúp khách hàng giải quyết các hợp đồng bằng chữ ký số… Nhờ đó, năm 2022, Cake được EuroMoney Market Leaders xếp hạng dẫn đầu tại thị trường Việt Nam về giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngọc Dũng, Thu Hiền, Thảo Hiền