Chạm mức 56 triệu đồng/lượng
Thị trường vàng trong nước sôi động kể từ khi giá vàng chạm mức 50 triệu đồng/lượng. Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 50,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,50 triệu đồng/lượng (bán ra).
Phiên giao dịch 22/7 tiếp tục chứng kiến thị trường vàng biến động dữ dội. Giá vàng SJC tiếp tục leo thang, cuối giờ sáng đã vượt ngưỡng 53 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chốt ngày ở mức 52,1 triệu đồng (mua vào) và 53,07 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chỉ trong vài phiên giao dịch đầu tuần mới, giá vàng đã liên tiếp lập các đỉnh cao lịch sử mới và chinh phục các ngưỡng quan trọng 51-52-53 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, vàng SJC đã tăng hơn 3,5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng tuần qua (Ảnh chụp màn hình) |
Tính đến 15h ngày 23/7, giá vàng SJC niêm yết ở mức 52,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,00 triệu đồng/lượng (bán ra), cao nhất trong lịch sử giao dịch của SJC.Đây là một mức giá cao chưa từng có của vàng miếng SJC trên thị trường trong nước.
Trong 3 ngày, vàng liên tục phá vỡ 4 ngưỡng cản quan trọng 51-52-53-54 triệu đồng/lượng.
Ngày 24/7, thị trường vàng gây sốt khi giá vàng liên tục điều chỉnh tăng. Từ mức 53,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,35 triệu đồng/lượng (bán ra) giờ mở cửa, giá vàng đã tăng lên 54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,15 triệu đồng/lượng (bán ra) lúc 10 giờ.
Tới trưa 24/7, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội.
Giá vàng chốt phiên cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 53,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,95 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 109 nghìn đồng so với ngày hôm qua ở chiều mua vào.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,02 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 55 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng SJC đã tăng hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 1/7, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 49,62 triệu/lượng (bán ra).
Còn nếu như nhiều năm trước, việc mua vàng ngày Thần Tài mang tính chất lấy may vì giá vàng chỉ tăng nhẹ/năm, thậm chí có năm còn giảm, thì năm nay, nếu người dân mua 10 cây vàng đến nay đang có khoản lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Giá vàng tăng sốc khiến giao dịch trên thị trường sôi động hẳn lên, số lượng người đến các cửa hàng vàng tăng đáng kể do, nhưng không quá đột biến. Thời điểm giá vàng vượt 54 triệu đồng/lượng, người dân Hà Nội bắt đầu đổ xô đi mua, bán vàng. Theo ghi nhận tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng, lượng khách giao dịch tăng mạnh so với những ngày trước đó.
Theo tư vấn của các chuyên gia, vàng là tài sản không sinh lời nhưng lại được tăng giá trị khi giá lên. Do đó, nếu bán ra thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận. Còn việc mua vào lúc này, các nhà đầu tư cần phải tính toán chặt chẽ về tỉ lệ lợi nhuận và không nên đầu tư vội vã. Bởi thị trường vàng có tính trồi sụt rất nhanh
Về xu hướng giá vàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tăng cao, liên tiếp lập kỷ lục do mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi và những bất ổn về kinh tế khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 14,7 USD lên 1.901,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 10 USD lên 1.904,8 USD/ounce.
Giá vàng đã phá ngưỡng 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong phiên giao dịch 24/7 và đang tiến gần đến mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Người dân đi giao dịch vàng (Ảnh: Bảo Hân) |
Tuần qua, giá vàng ước tăng 5%, mức tăng cao nhất kể từ tuần kết thúc ngày 27/3. Đáng chú ý, giá kim loại quý này liên tục thiết lập các mức cao mới, đạt “đỉnh” trong 9 năm vào phiên 21/7 - ở mức 1.842,52 USD/ounce.
Giá vàng đã trở thành một kênh trú ẩn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục tăng mạnh bởi các chương trình bơm tiền kích thích kinh tế từ khắp nơi trên thế giới, cùng với đó là đồng USD suy yếu, rớt xuống mức đáy 2 năm thời gian gần đây vàng khiến giá vàng tăng mạnh.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường của OANDA, cũng cho rằng với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm xuống và đồng USD yếu đi, những yếu tố này củng cố triển vọng giá vàng tiếp tục tăng cao hơn do làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn an toàn.
Giới quan sát cũng cho rằng, hỗ trợ đà tăng của giá vàng là kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Mỹ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế do con đường phục hồi vẫn còn bất ổn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.
Các chuyên gia cũng lưu ý, đầu tư vào vàng thời điểm này cần hết sức cẩn trọng, vì mọi thứ đảo chiều rất nhanh. Nhà đầu tư vàng cần thận trọng quan sát, quan tâm đến sự thay đổi chính trường Mỹ cũng như trên thế giới và sức mạnh đồng USD; đồng thời cần phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau thay vì chỉ tập trung vào vàng.
Đông Sơn