Giá vàng trong nước

Tới 14h30' ngày 9/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 50,250 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,600 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,250 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,670 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tính tới 8h30 sáng 9/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 50,08 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,33 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,42 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 8/7.

Giá vàng thế giới

Tới 8h30 sáng 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.808 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.818 USD/ounce.

Đêm 8/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.809 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.819 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn 41,0% (526 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn 950 nghìn đồng so với giá vàng trong nước.

Vàng thế giới tiếp tục tăng dữ dội và lần đầu tiên kể từ 2011 lên trên ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Xu hướng tăng tiếp diễn do giới đầu tư thận trọng với chứng khoán và đại dịch Covid-19 khó lường.

Giá vàng trong nước vững trên đỉnh cao lịch sử trên 50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng mạnh lên đỉnh cao 9 năm chủ yếu do giới đầu tư thận trọng với triển vọng của nền kinh tế thế giới và không đổ tiền mạnh vào các lại tài sản có độ rủi ro cao như thị trường cổ phiếu.

Vàng tăng giá mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang trở nên khó kiểm soát, bùng nổ ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Australia…

Đi cùng với triển vọng khó lường của nền kinh tế thế giới, giới đầu tư đánh cược vào khả năng ngân hàng trung ương và chính phủ các nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh bơm tiền vào các hệ thống tài chính để vực dậy nền kinh tế.

{keywords}
Giá vàng hôm nay: tăng lên đỉnh 9 năm.

Những yếu tố này là cơ sở để vàng có thể còn bứt phá trong dài hạn khi mà lạm phát sẽ bùng phát ở một thời điểm nào đó trong tương lai như hệ quả của những quyết định bơm tiền khủng vào các thị trường.

Vàng tăng giá còn do dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư vàng tăng lên mức cao kỷ lục. Lượng tiền đổ vào các quỹ ETF này tính từ đầu năm đã cao hơn cả năm kỷ lục 2009. Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ ETF đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn tính từ đầu năm tới nay. Mức tăng này cao hơn mức tăng kỷ lục ghi nhận trong cả năm 2009.

Theo HSBC, những bất ổn về y tế, tài chính và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra cùng với những hậu quả đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng cho đến năm 2021. Các nhà đầu tư đang rút khỏi các tài sản rủi ro khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế thế giới khó có thể hồi phục nhanh sau giai đoạn sụt giảm mạnh do dịch Covid.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra dự báo cho rằng nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào tình trạng suy thoái sâu hơn trong năm 2020.

Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 8/7 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm khoảng 200-250 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 8/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 50,03 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,23 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 49,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,37 triệu đồng/lượng (bán ra).

V. Minh