Trong phiên giao dịch 8/8, giá vàng trên thị trường New York tăng mạnh trở lại, thêm hơn 40 USD, từ mức 2.383 USD/ounce trong phiên liền trước lên 2.427 USD/ounce. Đây là một cú bứt phá dù mặt hàng này gặp nhiều yếu tố bất lợi, như: một đồng USD vẫn khá mạnh và thị trường tài chính thế giới ổn định trở lại sau vài phiên chao đảo hiếm có, từ nước Mỹ cho tới Nhật.
Giá vàng thế giới tăng trở lại trong bối cảnh mặt hàng này trước đó đã bị bán tháo cùng hàng loạt tài sản khác, sau khi vàng lập những kỷ lục mới trong nửa đầu năm 2024.
Hồi giữa tháng 7, giá vàng giao ngay đã lên đỉnh cao lịch sử: 2.483 USD/ounce
Vàng đã tăng rất nhanh kể từ cuối năm 2023, do vậy gần đây luôn chịu áp lực chốt lời. Áp lực cũng gia tăng lên mặt hàng này khi báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) không mua thêm vàng tháng thứ ba liên tiếp.
Trước đó, PBOC đã có 18 tháng mua ròng vàng và đây là yếu tố đã đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Mặc dù Trung Quốc công bố số liệu cho thấy ngân hàng trung ương nước này không tăng dự trữ vàng trong 3 tháng qua, nhưng WGC thông báo một số ngân hàng trung ương khác vẫn đang mua mặt hàng kim loại quý này.
Các quỹ ETF vàng, trong đó có ông lớn SPDR Gold Trust, gần đây đảo chiều mua ròng vàng trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng ở nhiều nơi, trong đó có khu vực Trung Đông, với xung đột leo thang giữa Israel với Hamas và gần đây là với Iran...
Trong một dự báo mới đây, Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence, cho rằng, giá vàng sẽ lên mức 3.000 USD/ounce (tương đương khoảng 92 triệu đồng/lượng).
Theo vị chuyên gia trên, vàng có hiệu suất sinh lời cao trong thời kỳ kinh tế Mỹ bất ổn và trong bối cảnh đồng tiền USD mất giá.
Gần đây, giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sau khi Bộ Lao động nước này công bố tỷ lệ thất nghiệp có những lúc tăng cao. Nhiều người lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao kéo dài (5,25-5,5%/năm) như hiện tại sẽ tác động xấu tới kinh tế Mỹ.
Sự tăng giảm thất thường của thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu khiến tất cả các loại tài sản giảm theo, trong đó có vàng. Tuy nhiên, sau khi trấn tĩnh trở lại, nhà đầu tư đang hướng dòng tiền vào các loại tài sản có độ rủi ro thấp, bao gồm vàng.
Trên Kitco, Mark Moss - người dẫn chương trình “The Mark Moss Show” - nhận định, khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái và hậu quả là nước Mỹ sẽ in tiền nhiều hơn, bơm thanh khoản nhiều hơn và lạm phát cao hơn.
Theo Mark Moss, đồng USD được xem là một loại tài sản bong bóng, sau đó sẽ giảm giá. Tất nhiên, vàng sẽ hút dòng tiền và tăng mạnh.
Giám đốc điều hành Công ty kinh doanh vàng Allegiance Gold - Alex Ebkarian - cũng cho rằng, dòng tiền đang dịch chuyển từ cổ phiếu sang tài sản an toàn là vàng. Nếu Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm trong năm nay (khả năng bắt đầu từ tháng 9) thì vàng sẽ tăng giá mạnh hơn.
Vàng cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi từ căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Cú tăng trở lại của vàng trong phiên 8/8 (rạng sáng 9/8 giờ Việt Nam) cho dù USD mạnh lên và lợi tức trái phiếu Mỹ lên cao, cũng như một số chỉ số kinh tế Mỹ tốt trở lại... cho thấy sức mạnh của thị trường vàng.